Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với màn trình diễn mapping hoành tráng, công phu tại không gian cổ kính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) gây ấn tượng mạnh.
Tối 17/4, lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 đã diễn ra trong không gian giàu ý nghĩa lịch sử của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Ngoài chương trình nghệ thuật đặc sắc, không gian trưng bày các tủ sách giá trị, trải nghiệm sách 3D và màn trình diễn mapping kể chuyện đặc biệt thu hút các khán giả, độc giả tới tham dự.
Chương trình ấn tượng
Lần đầu đến Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng là lần đầu được tham dự lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Thu Trang (sinh viên năm 2 Đại học Văn Hóa Hà Nội) cảm thấy hào hứng xen lẫn thích thú.
Dù từng xem trình diễn 3D mapping trước đây, Trang chia sẻ cô không khỏi ngạc nhiên, thậm chí nổi da gà khi chiêm ngưỡng màn kể chuyện về Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam – với phần âm nhạc hào hùng.
“Thật đặc biệt khi phần trình diễn hiện đại, giống như một show nghệ thuật này không phải về giải trí như tôi từng xem mà kể câu chuyện về sách, lịch sử, về một địa điểm mang đầy ý nghĩa biểu tượng”, Trang nói với Tri thức – Znews.
Trang nhận xét cách truyền tải này rất sinh động, cuốn hút đặc biệt với người trẻ như cô. Với sự ấn tượng từ buổi lễ khai mạc, nữ sinh viên cho biết sẽ tìm hiểu và tham gia thêm các hoạt động khác được tổ chức tại khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong tuần lễ hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba.
Cũng chung cảm nhận bất ngờ khi có mặt tại lễ khai mạc là Linh Trang (sinh viên khoa Xuất bản ĐH Văn hóa Hà Nội).
“Tôi tham gia chương trình này với khoa và thú thực ban đầu không kỳ vọng quá nhiều. Song những gì được thưởng thức tối nay quả thực làm tôi bất ngờ và thích thú. Những âm thanh, hình ảnh được dàn dựng công phu và giàu ý nghĩa quá. Đây đúng là một chuyến đi xứng đáng”, Trang nói.
Nữ sinh ngành Xuất bản cho rằng việc xen lẫn các yếu tố hiện đại như vậy thành công trong việc thu hút sự quan tâm của độc giả trong thời điểm công nghệ phát triển như hiện nay. Trang còn bày tỏ sau khi tốt nghiệp, cô hy vọng có thể làm việc trong ngành, đặc biệt là tại các đơn vị phát triển những loại hình sách mới.
Phần trình diễn mapping kể chuyện tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay gồm 2 chương, chương đầu tiên gắn với câu chuyện truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam; chương hai là sự phát triển của ngành xuất bản trong thời gian qua để phục vụ cho việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa.
Trải nghiệm mới lạ
Thường đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ban ngày và thậm chí từng đến xem tour đêm Văn Miếu, Bích Hà (sinh năm 2001) vẫn phải ngạc nhiên khi cùng nhóm bạn đến dự lễ khai mạc tối 17/4 “bởi không gian nay khác quá”.
“Sự kiện hôm nay thực sự hoành tráng, công phu, thích mắt và tôi nghĩ đã rất thành công trong việc tôn vinh, lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người”, Hà nói.
Ngoài phần trình diễn mapping kể chuyện, nhóm của Hà ấn tượng khi trải nghiệm xem sách 3D về Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Cả nhóm ồ lên liên tục khi khám phá ra các trang sách chuyển động, có thể thu phóng tùy ý kèm nhiều hiệu ứng bắt mắt.
“Tôi thích nhất là cuốn sách về không gian Văn Miếu Quốc Tử Giám, có phần bản đồ 3D chi tiết và chân thực. Mong là sẽ có thêm nhiều đầu sách ứng dụng công nghệ này hơn để thu hút đông đảo độc giả trẻ như tôi”, Hà chia sẻ.
Cũng khẳng định rất vui khi lần đầu xem sách 3D tại sự kiện, Mai Hoa (sinh năm 2001) hào hứng vì được tương tác, thoải mái trải nghiệm các cuốn sách được giới thiệu.
“Không ngờ bây giờ các trải nghiệm với sách lại có thể đa dạng và thú vị như vậy. Bình thường đọc sách giấy đã thích rồi, nay với những hình ảnh sinh động này, tôi còn hứng thú hơn và cảm giác tiếp thu các thông tin trong sách rất nhanh mà không bị nhàm chán”, Hoa cho hay.
Cô gái sinh năm 2001 và nhóm bạn không quên chụp hình check-in tại sự kiện để khoe và quảng bá trên mạng xã hội. Cả nhóm còn tranh thủ tham gia hội sách được tổ chức cùng thời điểm để tìm mua thêm các đầu sách hay với giá cả ưu đãi.
Trong lần thứ ba tổ chức, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hướng đến 3 mục tiêu quan trọng. Đó là khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Sự kiện cũng tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự kiện đặt mục tiêu nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Nguồn: Znews.vn