Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành – chia sẻ với 500-600 triệu bản sách tiêu thụ, Việt Nam thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chia sẻ với phóng viên VietNamNet nhân dịp khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba vào ngày 17/4 tới tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Độc giả muốn có sách hay hãy ủng hộ sách thật
– Từ năm 2014, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Năm 2021, đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả lan toả văn hoá đọc suốt 10 năm qua?
Thống kê về văn hoá đọc là việc rất quan trọng. Mặc dù nhiệm vụ quản lý văn hoá đọc thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Năm 2012, chúng tôi cũng làm một cuộc khảo sát, tuy nhiên kết quả chưa ra con số để so sánh với các nước trong khu vực.
Năm nay nhằm giải quyết bài toán này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát. Cách đây 1 tuần, chúng tôi có văn bản gửi Viettel và Zalo. Mỗi đơn vị với khoảng 40-50 triệu khách hàng sẽ gửi câu hỏi khảo sát tới toàn bộ người dùng. Chúng ta sẽ thu được con số lớn, từ đó cho kết quả tương đối xác thực, có tính so sách về sức lan toả văn hoá đọc với thế giới.
Những con số khảo sát hiện nay về văn hoá đọc trên toàn cầu đều chưa chính thức. Khi làm việc với Hiệp hội Xuất bản các nước, tôi được biết con số đó mang nội dung, thông điệp tuyên truyền là chính.
Theo con số định lượng tôi có được (ngành xuất bản tiêu thụ 500-600 triệu bản sách) Việt Nam đang nằm trong top đầu về số lượng bản sách. Chúng ta đứng top đầu khu vực Đông Nam Á, trong số này sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo chiếm tỷ trọng lớn.
– Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam mang đến 4 thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”, ông lý giải điều này như thế nào?
Bốn thông điệp này đều có một điểm chung: sách rất hay, hướng tới tinh thần, cái gốc của sự phát triển sách chính là văn hoá đọc.
Nhưng chúng tôi hiểu rằng, để văn hóa đọc lan tỏa cần hướng đến mỗi vùng miền, đối tượng khác nhau. Vì thế, phải có thông điệp mang ý nghĩa truyền thông riêng tạo tính lan toả.
Với “Sách hay cần bạn đọc”: Gốc của sách, ngành sách là bạn đọc vì thế nếu không có bạn đọc thì cũng không có ngành sách.
Mấy năm gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát động phong trào tặng sách. Vì vậy, qua thông điệp “Sách quý tặng bạn”, chúng tôi kỳ vọng sách sẽ trở thành món quà tặng thường xuyên trong tất cả hoạt động sự kiện tiêu biểu với ý nghĩa trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Việt.
Với “Tặng sách hay – Mua sách thật”: Ngành xuất bản đang phải đối diện với tình trạng vi phạm bản quyền. Để giải quyết căn cơ bài toán này, hơn bao giờ hết việc thay đổi nhận thức của độc giả có ý nghĩa quyết định cùng với những giải pháp quản lý. Độc giả muốn có sách hay hãy ủng hộ sách thật. Chúng tôi kỳ vọng người đọc nên mua sách thật, tặng sách hay cho nhau chứ không phải sách vi phạm bản quyền, để ngành xuất bản có động lực cho sự phát triển lâu dài và bền vững.
Cuối cùng, “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe” là câu chuyện của sự phát triển đáp ứng các yêu cầu của thời đại. Sách hiện nay đa hình tướng, không chỉ có sách truyền thống mà có nhiều hình thức sách nói, sách điện tử, sách 3D… Cho nên thông điệp này để đảm bảo sách tiếp cận độc giả và đồng thời khẳng định ngành sách muốn phát triển cần đáp ứng yêu cầu gần gũi bạn đọc. Độc giả ở đâu sách ở đó – là thông điệp mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng luôn hướng tới.
Ngày 17/4, tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) sẽ có phần trình diễn công nghệ 3D mapping hấp dẫn về sách, truyền thống hiếu học, văn hóa đọc.
Thị trường xuất bản điện tử chưa phát triển, ngoại trừ sách nói
– Thông qua Ngày Sách và Văn hoá đọc, ông mong muốn lan toả điều gì về sách nói và sách điện tử?
Thời gian qua, xuất bản điện tử hay nói rộng hơn là chuyển đổi số trong ngành xuất bản đã có bước tiến tương đối mạnh mẽ. 5 năm trước chúng ta chỉ có 2 NXB, mỗi năm xuất bản 18 đầu sách điện tử. Thời điểm này có 27 NXB, mỗi năm xuất bản trên 4.000 đầu sách điện tử.
Điều này cho thấy chuyển đổi số trong ngành xuất bản đã có kết quả tương đối rõ nét, song so với yêu cầu còn rất nhiều điều phải bàn. Một số hạn chế là: Thị trường xuất bản điện tử chưa phát triển, ngoại trừ sách nói; Hệ sinh thái sách chưa có; Bảo vệ bản quyền sách trong môi trường số còn bất cập…
Ban tổ chức cho trưng bày, giới thiệu các hoạt động liên quan đến sách điện tử, sách 3D cũng nhằm mục đích lan toả chuyển đổi số trong ngành xuất bản.
– Ông kỳ vọng gì về Ngày Sách và Văn hoá đọc năm nay?
Tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc, chúng tôi khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Và điều căn cốt nhất là chúng tôi tôn vinh bạn đọc.
Một trong những nội dung quan trọng của các hoạt động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 còn là kết hợp với chuyển đổi số.
Chúng tôi đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá về sách, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.