Phù Lãng, cùng với Thổ Hà và Bát Tràng là những trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng, in đậm sâu trong tâm thức dân gian. Đó là các làng nghề với sản phẩm gốm cao cấp và bình dân, đáp ứng tiêu dùng trong và ngoài nước, mang nhiều sắc thái, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Trong bối cảnh đó, gốm Phù Lãng lại có lối đi riêng, với phong cách tạo tác khác biệt, làm nên thương hiệu, đại diện xuất sắc cho dòng gốm men và gốm “không men” độc đáo trong lịch sử gốm sứ Việt Nam.
Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, đồ gốm Phù Lãng còn lưu giữ trong nhiều bảo tàng, sưu tập tư nhân hoặc các di tích chùa, đình, đền, miếu, từ đường... với các loại hình đồ thờ, đồ gia dụng và gốm trang trí, niên đại chủ yếu trong khoảng từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20. Gốm Phù Lãng được nung ở nhiệt độ cao, nhiều hiện vật gần như “sành hóa” với nhiều sắc độ men màu đen bóng không đều, nâu, cánh gián hay da lươn. Hình khối và đường nét trang trí được đắp nổi hay in trên đồ gốm Phù Lãng thể hiện rõ tài năng, sự khéo léo của người nghệ nhân làm nên các sản phẩm độc đáo, với lối bố cục đối xứng, hình tượng chủ đạo như long, ly, quy, phượng kết hợp hoa văn hình học và chữ Hán là lời chúc phúc, ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trên cơ sở kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu, các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hệ thống tư liệu, biên soạn cuốn sách Gốm Phù Lãng, thế kỷ 17 - 20. Nhóm nghiên cứu đã cố gắng bổ sung tư liệu, cập nhật tình hình phát hiện, nghiên cứu về gốm Phù Lãng, nhất là các đồ gốm trong các di tích, các sưu tập tư nhân, đặc biệt, hai tiêu bản ở Bảo tàng thành phố Machida (Nhật Bản), từ đó, đối sánh các loại hình, chất liệu gốm Phù Lãng với các dòng gốm của trung tâm sản xuất khác cùng thời, phân tích, đánh giá với mong muốn làm sáng tỏ hơn những giá trị của gốm Phù Lãng trong suốt quá trình tồn tại.
Chúng tôi hy vọng, cuốn sách xuất bản lần này sẽ cung cấp những tư liệu quý giá tới độc giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng thời là cơ sở khoa học góp phần định hướng bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị làng nghề gốm truyền thống Phù Lãng trong bối cảnh xã hội phát triển hôm nay.