Là mảnh đất sinh sống, quần tụ của 19 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, đặc sắc của các tộc người, Điện Biên có nhiều dư địa để phát triển du lịch cộng đồng, từng bước xây dựng điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Với nỗ lực bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống và phát huy bền vững sự đa dạng văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đến nay Điện Biên đã có 18 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) và 41 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã thực hiện cuốn sách “Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên - Tập 1” nhằm quảng bá sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cũng như bạn bè quốc tế những giá trị đặc sắc của một số di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; đồng thời, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức của cộng đồng - chủ nhân di sản trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương. Với mong muốn tiếp tục giới thiệu tới công chúng những giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trong thời gian sắp tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục thực hiện cuốn sách “Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên - Tập 2”. Cuốn sách gồm 6 bài viết, chia làm hai chủ đề chính:
Chủ đề 1. Điện Biên - vùng đất của di sản văn hóa phi vật thể các tộc người thiểu số, giới thiệu về 4 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các bài viết giới thiệu khái quát về di sản (chủ thể nắm giữ, tên gọi, loại hình, quá trình ra đời, vận động và phát triển…), những giá trị cũng như vai trò của di sản trong đời sống cộng đồng.
Chủ đề 2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên, viết về thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên; vai trò của nghệ nhân trong gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người trên địa bàn. Đồng thời đề xuất một số giải pháp đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích, động viên các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong quá trình biên soạn không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự chia sẻ và đóng góp ý kiến của quý độc giả để những tập tiếp theo của cuốn sách được hoàn thiện hơn.