Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 với chủ đề “Thế giới tôi đọc là dịp kết nối độc giả yêu sách cả nước, góp phần phát huy giá trị của sách cũng như lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Sáng ngày 20/4, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, bạn đọc đã có cơ hội tham gia loạt hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024.
Trong khuôn khổ sự kiện, có nhiều hoạt động đa dạng, thu hút bạn đọc nhiều lứa tuổi như: Triển lãm sách; Giao lưu tác giả, tác phẩm; Đọc sách sáng tạo; Khám phá Thư viện số; Thi vẽ tranh; Trải nghiệm kỹ năng đọc sách…
Vai trò của nhà trường trong việc hình thành thói quen đọc sách
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Dũng – Giám đốc Thư Viện Quốc gia Việt Nam – khẳng định vai trò không thể thiếu của sách trong đời sống xã hội. Sách mang đến cho con người kiến thức cùng sự khám phá và những trải nghiệm sâu sắc.
“Để việc đọc sách trở thành thói quen của mỗi người dân, tạo nên nền tảng phát triển nhận thức về tư duy cuộc sống, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các thiết chế văn hoá, đặc biệt là hệ thống thư viện, các cơ quan giáo dục và nhà trường”, giám đốc Thư viện Quốc gia nói.
Nhiều hoạt động thú vị, đặc sắc
Đến với Ngày Sách và Văn hoá đọc năm nay, công chúng và bạn đọc có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với các tác giả, dịch giả, nhà quản lý về việc đọc sách và thói quen đọc.
Hoạt động giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm đáng chú ý có buổi giới thiệu cuốn sách Học, đọc sách và sáng tạo của nhóm tác giả Nguyễn Như Ý, Trần Chí Đạt, Võ Thế Quân, Vũ Thùy Dương, do Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành; tác phẩm Danh nhân – Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành của nhiều tác giả, do Nhà Xuất bản Văn học phát hành.
Trong khoảng thời gian giao lưu với độc giả về cuốn sách Học, đọc sách và sáng tạo, giáo sư Đinh Xuân Dũng chia sẻ đọc sách không phải đọc lướt qua hay để giải trí thông thường mà giá trị sách mang lại là để kích thích tầm nhìn, làm giàu trí tuệ. Khi đọc, độc giả phải đọc bằng tâm hồn, con tim của mình mới có thể thấu hiểu hết được ý nghĩa trong từng cuốn sách.
Tại không gian trưng bày triển lãm “Sách – Cánh cửa mở ra thế giới”, Thư Viện Quốc gia Việt Nam giới thiệu đến độc giả 1.000 cuốn sách theo 4 nội dung: Sách – Thay đổi tư duy; Sách – Mở rộng tầm nhìn; Sách – Khám phá thế giới; Từ trang sách tới thành công. Các nội dung khẳng định vai trò của sách trong việc thay đổi tư duy, hướng tới hành động của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Đây cũng là dịp giới thiệu rộng rãi các xuất bản phẩm của các nhà xuất bản Việt Nam, từ đó mở ra cơ hội xúc tiến các hoạt động giao dịch bản quyền, mở rộng hợp tác quốc tế.
Ngày hội còn chứng kiến sự tham gia của đông đảo độc giả nhí. Đến với Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, các bạn nhỏ có cơ hội đọc sách kết hợp trải nghiệm độc đáo như sáng tạo đoạn kết mới cho các tác phẩm văn học, diễn kịch tương tác, thi vẽ tranh theo sách, thực hành dán tài liệu, khâu sách hán nôm…
Các hoạt động đưa các em thiếu nhi đắm mình vào những câu chuyện sâu sắc, thỏa sức họa nên những bức tranh sinh động, có cơ hội khám phá cách tạo và giữ gìn một cuốn sách cũng như tìm hiểu về nhiều nền văn hóa đa dạng trên thế giới để nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, trau dồi khả năng ngoại ngữ.
Nhiều bạn nhỏ cũng như phụ huynh chia sẻ sự thích thú khi tham dự sự kiện năm nay và cho biết đây không phải là năm đầu tiên đến tham dự sự kiện.
Bé Minh Hòa (9 tuổi, quận Hoàng Mai) cho biết: “Từ đêm hôm qua con đã rất hào hứng để tham gia sự kiện ngày hôm nay ạ. Trong các hoạt động ngày hôm nay, con thích nhất là hoạt động vẽ tranh vì có thể tự do sáng tạo, tô màu. Năm trước con cùng các bạn cũng đến nhưng con lại không được giải nên con quyết tâm năm nay phải đến để lấy giải về”.
Một trong những hoạt động mới của sự kiện năm nay chính là “Trạm bảo tồn sách”. Không chỉ là hoạt động tìm hiểu đơn thuần, “Trạm bảo tồn sách” là nơi để các bạn đọc được trải nghiệm một số kỹ năng tu bổ, phục chế cơ bản nhất trong những công đoạn giữ gìn, bảo quản tài liệu. Hoạt động thực tế này chính là cách thức sáng tạo, giúp đưa hình ảnh của thư viện và những người làm công tác thư viện đến gần hơn với công chúng.
Anh Minh Quân (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết mặc dù nhà ở xa so với nơi tổ chức sự kiện nhưng vì các con cũng là đam mê của bản thân nên vẫn quyết định đến tham dự. Chia sẻ với Tri thức – Znews, anh cho biết các hoạt động tại thư viện năm nay có quy mô lớn, nhiều hoạt động hơn so với những năm trước anh tham gia. Đặc biệt, anh thấy ấn tượng với các hoạt động liên quan đến bảo tồn sách.
“Theo tôi đây là hoạt động đặc biệt, khá hấp dẫn giúp cho người tham dự hiểu hơn về các kỹ năng tu bổ, phục chế sách cũng như hiểu được sự vất vả của những người đang làm công việc này. Không chỉ những người lớn như tôi mà các bạn nhỏ sau khi trải nghiệm hoạt động này cũng sẽ biết cách trân trọng, gìn giữ những cuốn sách của mình cẩn thận hơn”, anh Quân chia sẻ.
Điểm nhấn của ngày hội còn là các hoạt động xoay quanh chuyển đổi số trong thư viện. “Khám phá thư viện số – Let’s Read” là hoạt động nổi bật khuyến khích công chúng, đặc biệt là các bạn đọc nhỏ tuổi, tiếp cận hình thức thư viện số và tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới qua 10.000 đầu sách với 50 ngôn ngữ khác nhau.
Các hoạt động khác như: Thi trực tuyến “Sách hay tìm tên đẹp”, Có hẹn cùng Fanpage, Gieo mầm tri thức đã góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh Thư viện tới bạn đọc và công chúng, tăng cường sự trải nghiệm tương tác gắn với hoạt động đọc và khuyến đọc.
Nhân dịp này, Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng tiếp nhận sách tài trợ của các nhà xuất bản, nhà sách, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trên địa bàn Hà Nội và trao tặng sách cho các thư viện vùng sâu, vùng xa, các trường học trên cả nước.
Nguồn: Znews.vn