Lễ phát động Ngày đọc sách trong Thanh niên vừa được tổ chức nhằm hướng tới nâng cao nhận thức và vận động, khuyến khích đoàn viên, thanh thiếu nhi duy trì thói quen đọc.
Sáng 19/4, lễ phát động Ngày đọc sách trong Thanh niên, do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội).
Đây cũng là một trong những hoạt động chính hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024.
Coi việc đọc sách như nhu cầu thiết yếu
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định trong thời đại công nghệ phát triển nhanh, thế giới thông tin tràn ngập quanh ta, đọc sách giờ đây có ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc đọc sách là cách để chúng ta nuôi dưỡng tâm trí; mài giũa trí tuệ, mở rộng vốn từ, nâng cao kỹ năng tư duy của bản thân đồng thời cũng chính là hành động nuôi dưỡng sự đồng cảm – nền tảng của một xã hội giàu lòng nhân ái.
Ông Nguyễn Thanh Lâm đề nghị Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng chung tay, cùng ngành xuất bản, thư viện đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc với tinh thần đầu tư cho văn hóa đọc là đầu tư vào nguồn lực con người, cũng là nguồn lực lớn nhất đem đến sự thành công, thịnh vượng cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, ông kêu gọi từng đoàn viên thanh niên quan tâm hơn nữa đến sách, chăm chút cho thói quen đọc sách.
“Bằng lòng nhiệt huyết và quyết tâm của mình, mỗi chúng ta hãy thể hiện tình yêu sách, say mê đọc sách để qua đó truyền thông điệp về những giá trị tốt đẹp trong mỗi cuốn sách đến với những người xung quanh ta”, ông phát biểu.
Cũng tại sự kiện, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết nhận xét sách hiện nay không chỉ còn đơn thuần là sách giấy, mà đã được số hoá, mở rộng thành nhiều phương thức khác nhau, để có thể tiếp cận được đến đông đảo độc giả, như sách điện tử, sách nói… Dù có nhiều phương tiện hiện đại, sách vẫn là một kho tàng tri thức vô giá, là người thầy, người bạn quý đối với chúng ta.
Ông Triết cho rằng việc tạo dựng các sân chơi, môi trường để tuổi trẻ duy trì thói quen đọc sách, trao đổi sách, nâng cao văn hóa đọc là điều rất quan trọng. Ông cũng kêu gọi mỗi thanh niên hãy dành thời gian đọc sách mỗi ngày, coi việc đọc sách như một nhu cầu thiết yếu.
Chủ động tiếp cận tri thức qua sách
Chia sẻ trong phần giao lưu tại sự kiện, sinh viên Diễm Quỳnh cho biết thế hệ trẻ như cô được tiếp cận sách theo kiểu truyền thống như sách giấy và cả các hình thức hiện đại hơn như sách nói, sách điện tử cùng sự phát triển của công nghệ.
“Trước đây học chuyên Văn, việc đọc sách đối với em vừa là sở thích vừa là yêu cầu khi phải tìm hiểu nhiều tác phẩm văn học. Đối với em, bản thân sách giấy có điểm lợi là khi ta nhìn lại số sách từng đọc được một cách rõ ràng, ta như tự tạo ra được thành tích cho bản thân, có thêm động lực để đọc tiếp”, nữ sinh viên nói.
Hiện tại bận rộn hơn, Diễm Quỳnh không có quá nhiều thời gian dành cho sách như trước nhưng không vì thế cô bỏ bê việc đọc. Nữ sinh tận dụng thời gian làm việc nhà hay rảnh tay nghe sách qua các video trên mạng, nghe sách nói.
Cô nhận xét loại hình sách nào cũng giúp người dùng tiếp cận được tri thức hiệu quả, song độc giả cần lưu ý lựa chọn những đầu sách hay, giá trị từ các nhà xuất bản uy tín để đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, nhà báo, nhà thơ Hữu Việt cho rằng dù nói về sách nhiều bao nhiêu, nhưng nếu chính các độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ ngày nay không muốn đọc thì cũng vô ích.
Ông gợi ý để đọc sách hiệu quả, mỗi người có thể tự tạo nhiệm vụ cho bản thân mỗi tháng, ví dụ đọc được 1-2 cuốn sách. Nếu không có mục tiêu, rất dễ bị ỷ lại và khó tạo thành thói quen. Bên cạnh đó, nên tạm tránh xa các thiết bị giải trí khi đọc như smartphone để có được sự tập trung hiệu quả.
Nguồn: Znews.vn