0 ₫

No products in the cart.

0 ₫

No products in the cart.

Phát triển văn hóa đọc tại Huế

Ngày hội đọc sách 2023

Sách mới

Huế vốn nổi tiếng là vùng đất có truyền thống văn hiến. Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai tổ chức tại đây, các lãnh đạo tỉnh chia sẻ tầm nhìn phát triển văn hóa đọc.

Phát triển văn hóa đọc tại Huế
Huế vốn nổi tiếng là vùng đất của những con người ham học, ham đọc. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Những năm qua, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc luôn được lãnh đạo, người dân Huế quan tâm. Việc phối hợp đăng cai tổ chức Lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam tại Bảo tàng lịch sử Huế là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt đó.

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, ông Nguyễn Văn Phương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định sách là giá trị tinh thần đặc biệt quan trọng trong đời sống của con người, là kho tàng tri thức vô tận dẫn bước đi đến tương lai; văn hóa đọc là một trong những truyền thống quý báu cần được phát huy để có thể phát triển bền vững.

Nơi kết tinh các giá trị văn hóa

Ông Nguyễn Văn Phương cho biết sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc lần này được chọn tổ chức trong khuôn viên Quốc Tử Giám – Kinh đô Huế xưa, đây là di tích trường đại học thời phong kiến còn được lưu giữ, là nơi kết tinh các giá trị văn hóa, tâm hồn, trí tuệ của các thế hệ tri thức Việt Nam qua hàng trăm năm.

Sáng 22/4, xuất hiện tại Bảo tàng lịch sử Huế, nhà văn Lê Vũ Trường Giang – tiến sĩ, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế – nhận định Huế là một vùng đất đặc biệt, có truyền thống về học thuật, truyền thống thi ca nghệ thuật, thu hút nhiều anh tài, có sức hút đối với người yêu sách.

Đơn cử, Nhà xuất bản Thuận Hóa (đơn vị đã có nhiều bộ sách nổi bật như Những người bạn Cố đô Huế, Phan Bội Châu toàn tập, Đại Nam nhất thống chí…) trong nhiều năm đã thu hút học viên từ khắp cả nước đến làm việc với đơn vị; hàng nghìn trí thức từ Bắc tới Nam đã tin tưởng giao bản thảo cho Nhà xuất bản Thuận Hóa.

Phát triển văn hóa đọc tại Huế
Ông Lê Vũ Trường Giang – tiến sĩ, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế – cho rằng Huế là một vùng đất đặc biệt, có truyền thống về học thuật, truyền thống thi ca nghệ thuật, thu hút nhiều anh tài. Ảnh: MH.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Huy Hiển, Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhận định Ngày Sách và Văn hóa đọc là một sự kiện tiêu biểu của quốc gia, là sự kiện văn hóa có ý nghĩa.

Ông cho rằng việc chọn Huế làm điểm tổ chức cho thấy sự quan tâm của các lãnh đạo với Huế – vùng đất của văn hóa hiếu học, tinh thần ham đọc sách.

“Thời gian vừa qua, các địa phương đã tích cực phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan để tổ chức sự kiện này”, ông Nguyễn Huy Hiển nói.

Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế mong chuỗi sự kiện tại đây sẽ phát động được phong trào đọc sách sâu rộng hơn trong khu vực.

Ông khẳng định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã, đang và sẽ tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy văn hóa đọc, sao cho lan tỏa sách được đến cả những vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn.

Những dự án phát triển văn hóa đọc tại Huế

Với truyền thống hình thành và phát triển lâu đời, Thừa Thiên – Huế có kho tri thức đồ sộ thuộc nhiều lĩnh vực: Văn hóa, văn học – nghệ thuật, khoa học – kỹ thuật… Ngoài hệ thống thư viện Nhà nước, nhiều tủ sách gia đình được xem là bảo vật gìn giữ cẩn thận với những đầu sách có giá trị.

Nhưng như Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã nói trong Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần 2: “Sách hay mà không đến tay người dân thì đâu còn ý nghĩa”. Vì vậy, bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn, sách hay cần được quảng bá. Nhằm tạo điều kiện cho đông đảo độc giả tiếp cận, tìm hiểu về sách dễ dàng, các lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề ra những dự án khuyến đọc, thúc đẩy văn hóa đọc.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ: “Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát huy và nhân rộng việc phát triển văn hóa đọc, đó chính là xây dựng, hình thành và phát triển thói quen, nhu cầu, phong trào đọc sách, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn”.

Nhiều dự án được triển khai như Tuần lễ đọc sách miễn phí, nói chuyện chuyên đề “Sách và cuộc sống”, “Chúng em với di sản văn hóa Huế”, “Cuốn sách của tôi”…

Những mô hình “Tủ sách cho bạn và cho tôi”, “Tủ sách tại lớp” đã huy động tối đa các đầu sách hay, ý nghĩa từ các nguồn xã hội hóa và các học sinh, giáo viên cùng xây dựng thư viện trường học.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng triển khai Đề án thiết lập và phát triển Tủ sách Huế nhằm tạo nên một thương hiệu sách mang đậm dấu ấn Huế góp phần thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách.

Một trong những dự án sách đặc sắc nhất tại nơi đây là dự án Tủ sách Huế – được xây dựng nhằm lưu giữ, giới thiệu những cuốn sách quý, tạo nên một thương hiệu sách mang đậm dấu ấn Huế, góp phần quảng bá những giá trị di sản văn hóa, hình ảnh Huế qua sách.

Bên cạnh ý nghĩa phát triển văn hóa đọc, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên – Huế trên các lĩnh vực, bộ sách còn trở thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất cố đô.

Phát triển văn hóa đọc tại Huế
Những cuốn sách trong “Tủ sách Huế” trở thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đến nay, Tủ sách Huế đã hình thành được 9 xuất bản phẩm, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ xuất bản được 50 ấn phẩm mới và hợp tác gắn logo Tủ sách Huế với hàng trăm sách xuất bản khác trên toàn quốc sẽ trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Huế, giới thiệu đến độc giả, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa về văn hóa của vùng đất cố đô.

Ông Nguyễn Văn Phương cho rằng tủ sách này sẽ trở thành cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên – Huế trên tất cả các lĩnh vực…, phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Ông tin rằng đọc đúng, hiểu đúng những cuốn sách tốt, sách hay có thể giúp người ta vững vàng hơn về tinh thần, giàu mạnh hơn sức sống, nghị lực và cả niềm đam mê, hoài bão. Vì vậy, ông muốn thúc đẩy phong trào đọc sách thật mạnh mẽ.

Nguồn: Znews.vn

Đọc thêm

Đọc sách là bệ phóng giúp vĩ nhân vươn xa trong sự nghiệp

Bà Lee Ha-Young, tác giả cuốn "Thư viện của những thần tượng", cho rằng các nghệ sĩ luôn khao khát học hỏi lẫn nhau, từ thế giới tri thức nằm trong sách vở. Tác giả Lee Ha-Young. Ảnh: NVCC. Mỗi dịp tháng tư về, người yêu sách trên toàn thế giới lại...

Chung tay đóng góp mang sách đến trẻ em khó khăn ở ĐBSCL

“Ngoài việc học, nhu cầu đọc truyện thiếu nhi giải trí của các em học sinh tất cả khối lớp rất nhiều, số sách hiện có của nhà trường chưa thể đáp ứng hết”, đại diện trường Tiểu học Trường Xuân 2, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp chia sẻ...

Độc giả Hà Nội, TP.HCM vượt nắng nóng đi hội sách mua giá hời

Dù đang bị gãy chân và thời tiết ngày cuối tuần khá oi bức, Vân Anh (19 tuổi, Hà Nội) vẫn nhờ bạn chở tới Hồ Văn (thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) để tham dự hội sách. Vừa chống nạng khập khiễng, cô vừa...

Lan tỏa tri thức sâu – rộng – nhanh

Hôm nay (21/4), đánh dấu 10 năm nước ta tổ chức Ngày Sách Việt Nam (2014-2024) và sau này được nâng tầm lên là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (từ năm 2022). Sự khởi sắc rõ rệt thể hiện ở Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt...

Cởi bỏ áp lực thành tích để đồng hành cùng con

Bộ sách “Để con tự học” mang đến cho phụ huynh và độc giả nhiều phương pháp giáo dục con hiệu quả, đặc biệt là cách giúp con tự giác và chủ động học tập. Để nuôi dạy con cái tốt, các bậc cha mẹ nên xây dựng tính tự...

Ngày hội đọc sách 2024

Sách hay