Tại TP.HCM, Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai – năm 2023 được tổ chức trên khắp các quận, huyện nhằm tôn vinh những người làm sách và nâng cao văn hóa đọc.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng đối với người dân Việt Nam, những người yêu sách và đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai – năm 2023 trên địa bàn TP.HCM sẽ diễn ra từ ngày 19-23/4 với thông điệp: “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”; “Mỗi người dân là một Đại sứ văn hóa đọc”.
Sự kiện năm nay được tổ chức theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại, qua đó phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng…
Đặc biệt, đây là năm đầu tiên xuất hiện 10 đại sứ văn hóa đọc là những người có sức lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, sẽ đồng hành cùng các hoạt động của Thành phố để hướng đến mục tiêu “mỗi người dân là một Đại sứ văn hóa đọc”.
Nhiều hoạt động sôi nổi tại 15 quận, huyện
Theo kế hoạch của Sở TT&TT TP.HCM, sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai – năm 2023 có khoảng 100 hoạt động được tổ chức trên khắp các quận, huyện của thành phố. Trong đó, Hội sách dự kiến được tổ chức tại Công trường Công xã Paris (trước Bưu điện Thành phố) và Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) quy tụ gần 80 hoạt động.
“Năm nay không phải là một hoạt động cấp Thành phố nữa mà đã lan tỏa đến 15 quận, huyện. Cả 15 quận, huyện cùng tham gia tổ chức là một điều đáng mừng, bởi nó cho thấy tinh thần của Ngày Sách và Văn hóa đọc khi mọi người cùng viết sách, cùng tham gia truyền tải những thông điệp về sách. Đó là một điểm nhấn trong năm nay”, ông Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TT&TT – chia sẻ trong cuộc họp chiều ngày 13/4.
Ông cũng cho biết một trong những áp lực lớn nhất của ban tổ chức là phải luôn tìm ra sự đổi mới và sáng tạo trong các năm, đồng thời lan tỏa được những giá trị thực sự của văn hóa đọc ngày càng nhiều hơn trên địa bàn thành phố chứ không chỉ dừng lại ở những hoạt động ngắn hạn.
Theo đó, chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay bao gồm nhiều chủ đề mới được đông đảo người dân quan tâm như ChatGPT và việc viết văn, viết sách của giới trẻ hiện nay, làm sao để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em trong thời đại số, vì sao cần xuất bản sách điện tử… với nhiều diễn giả có kinh nghiệm trong các lĩnh vực hứa hẹn mang lại nhiều thông tin bổ ích, phù hợp với nhu cầu của thời đại.
Xuyên suốt 5 ngày (từ ngày 19 đến ngày 23/4) tại khu vực quận 1, TP.HCM cũng diễn ra hàng loạt chương trình giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, hội thi về sách với các chuyên đề về sách, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, các chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm, ra mắt sách, ký tặng sách… tại 3 địa điểm chính: Sân khấu đường Công xã Paris, Sân khấu A của Đường sách Nguyễn Văn Bình và tại các gian hàng.
Ngoài ra, còn có các sự kiện triển lãm, trưng bày hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách và nhiều chương trình khuyến mãi từ 30 đơn vị xuất bản, phát hành sách. Đặc biệt, nhân dịp này TP.HCM cho trưng bày, giới thiệu cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh và các tác phẩm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều tựa sách hay, bổ ích với đa dạng thể loại, chủ đề phong phú được tổ chức trưng bày và giới thiệu nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả như: văn hóa, lịch sử, chính trị, các tựa sách về doanh nhân, khởi nghiệp; sách giới thiệu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số; sách về khoa học, vũ trụ…
Các chương trình tặng sách, khu vui chơi dành cho thiếu nhi với các hoạt động sôi nổi như vẽ tranh, làm thủ công, đọc truyện, viết cảm nhận về sách, tương tác trải nghiệm cùng sách… diễn ra thường xuyên tại các gian hàng trong dịp này.
Sự đồng hành của các Đại sứ văn hóa đọc
Một điểm mới tại Ngày Sách và Văn hóa đọc tại TP.HCM năm nay là sự có mặt của 10 đại sứ văn hóa đọc. Ông Lâm Đình Thắng kỳ vọng với sự đồng hành của những người có tầm ảnh hưởng, có đóng góp nhiều cho xã hội và đặc biệt cũng là những người yêu sách sẽ đem lại nhiều thông điệp về sách, giúp lan tỏa, truyền cảm hứng để ngày càng nhiều người là yêu sách hơn, viết sách nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn.
Trước tiên là sự ủng hộ của nhiều tác giả sách như: nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu ý nghĩa như bộ sách Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử; bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, là tác giả của các cuốn sách Đi qua thời gian, Chuyện ở Phường, Hãy cứ đi về phía Nhân dân, Chuyện về ứng xử văn hóa…; TS Quách Thu Nguyệt – nguyên Giám đốc, Tổng biên tập của Nhà xuất bản Trẻ; tác giả Trung Nghĩa – chủ nhân của nhiều đầu sách văn hóa, thể thao, du ký, truyền cảm hứng cho giới trẻ.
Nhiều gương mặt nổi tiếng trên đa dạng các lĩnh vực cũng đã đồng hành cùng chương trình trên vai trò đại sứ truyền thông như: biên tập viên, nhà báo, MC Tấn Tài – tác giả dự án Gương mặt truyền hình, hai dự án sách; doanh nhân Lê Đăng Khoa – Chủ tịch quỹ Le Group Ventures, là người luôn đề cao sự học khi đồng hành cùng sinh viên với Quỹ học bổng Lê Đăng Khoa; Á hậu quốc tế Thúy Vân – nhà sáng lập Quỹ Inspired By SHE, diễn giả của loạt chương trình truyền cảm hứng cho giới trẻ; ca sĩ Hồ Trung Dũng – nghệ sĩ luôn đam mê và đề cao việc đọc sách.
Ngoài ra Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần hai – năm 2023 còn có sự đồng hành của đại sứ truyền thông truyền cảm hứng như anh Nguyễn Chánh Tín – tác giả kể câu chuyện vượt lên nghịch cảnh qua cuốn sách Tôi chọn sống, em Bùi Lưu Bảo Khánh – học sinh lớp 8, giải nhất hội thi “Lớn lên cùng sách” lần 8 sẽ mang đến góc nhìn thú vị cho chuỗi hoạt động của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 – năm 2023.
Các đại sứ sẽ xuất hiện trong nhiều hoạt động của hội sách để chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Với sự đồng hành của 10 đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023-2024, ban tổ chức hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho người dân và hướng đến mục tiêu “Mỗi người dân là một Đại sứ văn hóa đọc”.
“Vai trò đại sứ không chỉ dừng lại ở sự kiện vài ngày của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cũng không chỉ trong nhiệm kỳ 2023-2024, mà rõ ràng đây là bước mồi để mỗi người tiếp tục lan tỏa, chia sẻ câu chuyện văn hóa đọc bằng kinh nghiệm của mình”, TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ về vai trò của các đại sứ văn hóa đọc.
“Dù không biết năm sau có còn được mời hay không, tôi vẫn có một cam kết với bản thân là sẽ trở thành đại sứ văn hóa đọc trọn đời. Bởi đây cũng là điều mà tôi mong muốn hướng tới, tôi nghĩ đó là một văn hóa mà mình có thể lan tỏa cho tất cả gia đình Việt”, Á hậu quốc tế Thúy Vân cho biết thêm.
Nguồn: Znews.vn