Đình làng Tây Đằng ở huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, có thể là sự khởi đầu cho nhiều cuốn sách tương tự mà quý vị đang sở hữu. Với niên đại được xác định là thế kỷ 16, đình thuộc diện cổ xưa nhất trong toàn bộ di sản kiến trúc gỗ, trong số nhiều trăm ngôi đình được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Hơn thế nữa, đình hầu như nguyên vẹn so với thuở được dựng lên. Ngay cả những thành phần trang trí, - những gì dễ biến mất và dễ biến đổi, vẫn không hề suy suyển. Và, với tất thảy sự hiện hữu kỳ diệu ấy, ngôi đình đại lão này đích thực là kho báu của nền kiến trúc và nền mỹ thuật dân gian Việt.
… Đến với đình Tây Đằng, cuốn hút ta, mê hoặc ta, hàng chục hình tượng Rồng, được chạm khắc, được đục đẽo với sức biểu đạt mạnh mẽ và khác lạ, trên các bức cốn và ván bưng, hoặc với vai trò những đầu dư và những con sơn cài đặt dưới hệ mái. Ta nhận ra sự thiên biến vạn hóa hình hài con Rồng: thân gầy rộc, đầu quay vặn đến độ không thể hơn, miệng há hốc mà không phát thành âm, còn đôi mắt, - chúng vươn ra ngoài quỹ đạo. Chúng chăm chăm nhìn ta, xói vào cõi lòng ta, lùa vào lòng ta cái khí lạnh tê tái từ cõi thẳm xa. Nỗi cô quạnh, sự huyền bí vương vấn suốt năm trăm năm, đằng đẵng. Ngắm nhìn những chân dung - tâm trạng ấy, ta nghĩ tới những điêu khắc gia - thợ làng ở cái chốn vốn hẻo lánh kia, ta tự vấn: họ bị thôi thúc bởi hồn khí nào và bàn tay họ được dẫn dắt bởi tài hoa thiên bẩm nào, để quên hết nhọc nhằn và quên cả cái bản thể của chính mình, lao vào cuộc đẽo - đục - gọt - tỉa, tước bỏ đi những gì thừa, phát lộ ra những linh vật chất chứa, cùng một lúc, niềm xúc cảm lẫn sự linh thiêng.
Cũng tại ngôi đình này, ta bắt gặp hàng chục tượng tiên nữ cưỡi Rồng, hầu như không thấy ở các ngôi đình muộn hơn; những bức chạm hoa cúc trên các bẩy hiên, có bố cục và mỹ miều tới độ kinh điển và, gây sự sửng sốt hơn cả và sự tò mò hơn cả, là những bức chạm khắc mô tả những sinh hoạt đời thường. Có thể, đây là những hình ảnh xa xưa nhất về đời sống xã hội người Việt.
Cách đây ngót năm mươi năm, một nhóm anh chị em họa viên của Xưởng Tu sửa và phục chế (tiền thân của Viện Bảo tồn di tích) đã đạc họa đình Tây Đằng từ cấu trúc đến các họa tiết. Tất cả đều làm bằng tay, rọi đèn dầu, kẻ phấn trên những bức chạm thành những ô 10x10cm, dò dẫm họa lại từng đoạn, từng nét, sao cho thật chính xác. Và, dựa vào những số đo và những đường nét đã chép, người họa viên dựng thành bản vẽ trên giấy can, tô mực tàu mài. Có những bức vẽ ghi không chỉ là sự truyền đạt trung thực cái gốc, mà lại còn không giấu nổi cảm khái và sự khéo tay của họa viên. Thời nay vẽ ghi bằng máy, vừa nhanh vừa đủ, song thiếu hẳn đi cái chất thủ công không lặp lại của bàn tay con người.
Hễ ta nảy sinh ý định làm chuyên khảo về một công trình kiến trúc cổ, hãy nghĩ ngay tới ngôi đình Tây Đằng. Tại Viện Bảo tồn di tích, đã hầu như có sẵn những tư liệu, những bột để gột nên hồ.
Viện Bảo tồn di tích kế thừa hàng nghìn, có thể hơn, các bản vẽ thủ công từ những thập niên trước. Cộng thêm hàng vạn bản vẽ ghi những năm sau này, - đó quả thực không chỉ là một quỹ tư liệu hiếm hoi, mà là một dạng di sản đặc biệt. Di sản từ di sản. Di sản, quay trở lại, phục vụ cho sự nghiệp duy trì bền lâu Di sản văn hóa của dân tộc, chưa thoát khỏi nguy cơ mai một.
Bảo quản an toàn, không suy suyển, cái vốn liếng tư liệu - di sản ấy là trọng trách của Viện Bảo tồn di tích. Cùng với đó, có một trọng trách khác, một nghĩa cử văn hóa đặc biệt, cần được thực thi - đó là trao đến tay những ai cần học hỏi, cần nghiên cứu và cần vận dụng những tích lũy này. Cùng với đó là trao vào tay các thế hệ mai sau.
Cuốn “Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích” quý vị cầm trong tay, là sự thực thi tuần tự cái nhận thức trình bày ở trên.