Startup Alternō vừa huy động thành công hơn 1,5 triệu USD từ nhiều quỹ đầu tư, vượt mục tiêu huy động vòng hạt giống. Đây là startup hiếm hoi của Việt Nam ở mảng công nghệ khí hậu (climate tech), với sản phẩm chủ lực là pin cát phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

Hệ thống này sử dụng một công nghệ đã được đăng ký bản quyền chứa cát cách nhiệt với các ống dẫn nhiệt đặc chế. Khi sử dụng, nhiệt từ pin cát sẽ được chuyển qua đường ống dẫn để phục vụ nhu cầu sấy, sưởi ấm hoặc gia nhiệt. 

Nhu cầu nhiệt năng trong ngành nông nghiệp đang tăng cao. Trong bối cảnh đó, pin cát do Alternō phát triển giúp lưu trữ năng lượng, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường như pin Lithium. 

pin cat alterno 2.jpg
Quy trình sản xuất pin cát tại nhà máy của Alternō. Ảnh: NVCC

Hiện Alternō đang phát triển các phiên bản công nghiệp của pin cát với công suất lớn, từ 250 kWh đến 1,8 MW. Quá trình này dự kiến sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa sau khi Alternō nhận vốn từ nhiều quỹ đầu tư như The Radical Fund, Touchstone, Antler, Impact Square… và nguồn tài trợ bởi các tổ chức quốc tế.

Do là giải pháp năng lượng bền vững, hướng tới môi trường, trước đây, Alternō từng nhận tài trợ từ nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm 250.000 USD từ Quỹ Temasek và 350.000 USD từ P4G. Ngoài ra, startup Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức như JETRO, Qualcomm, NUS, Leave A Nest, BSSC, IBP, Quỹ Hanns Seidel, Climate Launchpad, VSV, ASSIST, New Energy Nexus.

Nhận xét về startup, ông Alina Truhina, Giám đốc điều hành và Đối tác quản lý của Quỹ đầu tư The Radical Fund cho hay, Alternō hiện là đơn vị sản xuất pin nhiệt (FOAK) đầu tiên và là công ty khởi nghiệp duy nhất về lưu trữ năng lượng ngắn hạn (LDTES) phục vụ mục đích nông nghiệp ở Đông Nam Á. Sau khi triển khai tại Việt Nam, tiềm năng của startup là rất lớn khi nhắm đến thị trường các nước Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ và Trung Đông.

pin cat alterno 1.jpg
Đội ngũ Alternō tại nhà máy sản xuất pin cát. Ảnh: NVCC

Theo nhà sáng lập Hồ Việt Hải, giải pháp pin cát không chỉ góp phần giảm phát thải carbon trong ngành nông nghiệp, mà còn giúp các công ty Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thế giới.

Chi phí đầu tư cho một hệ thống pin cát Make in Viet Nam chưa đến 500 triệu đồng. Trong quá trình vận hành, hệ thống pin cát được đội ngũ phát triển theo dõi và cập nhật thuật toán từ xa, tại trụ sở TP.HCM. 

Phản ánh của người dùng cho thấy, tại các mô hình đã triển khai ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, pin cát của Alternō cho nguồn nhiệt ổn định, không bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết nên có thể đáp ứng được công suất sấy liên tục cho nông trại.

Tại những vùng chưa có điện lưới, nhiều nông hộ đã chọn hệ thống tấm quang năng cùng pin cát để lưu trữ năng lượng nhiệt thay thế, phục vụ cho việc sấy khô nông sản, thay vì phải kéo điện về sử dụng. 

Bỏ việc văn phòng, 8X Nhật mở startup nền tảng số Việt NamSau 6 năm dựng nghiệp tại Việt Nam, Kamereo – startup nền tảng số Make in Viet Nam của Taku Tanaka đã gọi được tổng số tiền đầu tư 7,2 triệu USD.