Theo Bloomberg, stablecoin là token tiền số được neo theo một tài sản khác, sử dụng khoản tiền dự trữ lớn để duy trì giá trị ổn định. Chúng là giải pháp dành cho những nhà đầu tư muốn trao đổi và lưu trữ tài sản số mà không cần phải lo lắng quá nhiều về biến động giá. Báo cáo mới từ JPMorgan chỉ ra USDT đã trở thành stablecoin hàng đầu trong hai năm qua nhờ sự tăng trưởng thị phần, tuy nhiên, công ty Tether không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và hoạt động thiếu minh bạch.
Paolo Ardoino – Giám đốc điều hành Tether cho biết, sự thống trị thị trường của Tether có thể là một điều tiêu cực đối với đối thủ, bao gồm những người trong ngành ngân hàng mong muốn đạt được thành công tương tự, nhưng điều này không hề gây hại cho các thị trường thực sự cần đến USDT. Ông nhấn mạnh Tether luôn hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý trên toàn thế giới nhằm giúp họ hiểu rõ về công nghệ stablecoin và hướng dẫn cách tiếp cận công nghệ này một cách thích hợp.
Dù vậy, stablecoin đang rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách tại Mỹ và châu Âu. Dự luật Clarity for Payment Stablecoin (minh bạch trong thanh toán stablecoin) đang trong quá trình chờ Hạ viện Mỹ bỏ phiếu. Trong khi đó Đạo luật thị trường tài sản số (MiCA) sẽ bắt đầu được áp dụng từ tháng 6.2024 tại châu Âu, đánh dấu sự thay đổi trong cách thức Liên minh châu Âu (EU) giám sát và quản lý thị trường tiền số.
Một số nhà phát hành stablecoin khác có thể được hưởng lợi và giành được thị phần khi quy định mới về stablecoin được áp dụng.
Kể từ khi nộp phạt 41 triệu USD cho Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) vào năm 2021 vì nói dối về số tiền dự trữ, Tether đang nỗ lực làm hoạt động và tài chính trở nên minh bạch hơn. Nhưng đối thủ cạnh tranh Circle, công ty đứng sau stablecoin USDC, vẫn tuân thủ quy định tốt hơn so với Tether.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, USDT là loại tiền số được giao dịch nhiều nhất, chỉ xếp sau Bitcoin và Ethereum về vốn hóa thị trường. Còn USDC là token kỹ thuật số lớn thứ bảy, với vốn hóa thị trường khoảng 27 tỉ USD.