Thạc sĩ – bác sĩ Ngô Thị Mai Phương, Phòng khám Nhi – Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Vấn đề bé bị sốt, ho thực sự có rất nhiều nguyên nhân. Với trường hợp sốt cấp tính thì hơn 90% nguyên nhân là do nhiễm trùng, có thể do tác nhân vi khuẩn, siêu vi, nấm hay ký sinh trùng. Ô nhiễm gây sốt kèm ho cấp tính thường gặp có thể do viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản; do viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi… Tác nhân thường gặp nhất trong những bệnh lý này là siêu vi, tuy nhiên, cũng có thể do vi khuẩn trong một số trường hợp.
Nếu bé tươi tỉnh, ăn uống sinh hoạt bình thường, chỉ sốt nhẹ và ho ít, tổng trạng tốt thì có thể uống hạ sốt khi sốt làm bé khó chịu, uống nhiều nước, nên uống nước ấm, ăn thức ăn dễ tiêu, nhiều rau xanh và trái cây để tăng sức đề kháng; giữ ấm cơ thể, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, thời tiết trở nên lạnh hơn. Không được tự ý dùng các thuốc ức chế ho trung ương, kháng sinh hay kháng histamin.
Cần khám bác sĩ ngay khi bé sốt cao liên tục khó hạ, lừ đừ, lơ mơ, co giật, tím tái, thở mệt, thở nhanh, sốt hay ho kéo dài, ói nhiều hay bất cứ triệu chứng nào khác mà người nhà thấy không bình thường.
Để phòng tránh các bệnh lý hô hấp thường gặp, đặc biệt khi thời tiết thay đổi, cần nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn đầy đủ chất, đặc biệt rau quả, uống đủ nước, vận động cơ thể hợp lý, giữ ấm cơ thể, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, vệ sinh thân thể tốt, vệ sinh môi trường sống sạch và chích ngừa đầy đủ.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia… để trả lời cho bạn đọc.