Chị Mùa Thị No ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc là phụ nữ dân tộc Mông, trước đây do hoàn cảnh gia đình đông anh em, chị No phải đi làm nương, chăm em giúp bố mẹ nên không được học chữ. Khi đời sống ngày càng phát triển chị No cũng cảm thấy tự ti và khó khăn trong giao tiếp, tính toán. Chính vì vậy, khi có lớp xóa mà chữ chị đã đăng ký đi học, đến nay chị đã đọc thông, viết thạo.
Chị Mùa Thị No – Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La: Bây giờ được thầy cô mở lớp xóa mù chữ tôi cũng đi học. Biết chữ rồi thì cảm thấy tự tin hơn, đi đâu cũng biết địa điểm mình đi. Tôi bán hàng cũng tính toán nhanh hơn.
Không chỉ có chị No, 19 chị em khác trong bản Tà Số cũng tranh thủ sắp xếp việc gia đình để tham gia học tập. Những bàn tay lâu nay chỉ quen với cầm cày, cầm cuốc, giờ nắn nót từng nét chữ cho thấy ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này.
Cô giáo Ngô Thị Hiệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La: Nhà trường cũng xác định là nhiệm vụ phổ cập giáo dục và xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng then chốt trong giáo dục và đào tạo. Nhà trường thành lập các tổ giáo viên đến tận các bản phối hợp với các đồng chí trưởng bản để duy trì vận động học sinh ra lớp.
Cô giáo Vũ Thị Mận – Trường Tiểu học và THCS Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La: Với tinh thần là chúng tôi cũng cố gắng hết sức để truyền đạt tất cả những gì mình biết cho các bạn người Mông được biết viết biết đọc chữ. Chúng tôi cũng mong các bạn chịu khó đi học hơn để biết chữ và giúp ích cho đời sống cũng như dạy dỗ các con học tốt hơn.
Hiện nay, huyện Mộc Châu đang duy trì 11 lớp xoá mù chữ với 260 học viên. Các học viên được truyền đạt những kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết chữ và một số phép tính cơ bản. Cùng với dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kiến thức xây dựng kinh tế, cxây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu đến với bà con.
Ông Ngô Ngọc Toàn – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mộc Châu, Sơn La: Khó khăn của việc phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đó là điểm bản thì tập quán sinh hoạt cũng như là quan tâm giáo dục con em cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy rất là vất vả trong việc vận động gia đình con em đi học cũng vận động nhân dân người lớn tuổi tham gia học tập để có thể thay đổi cái nếp sống cách nghĩ. Góp phần cải thiện điều kiện nhận thức phát triển văn hóa xã hội của huyện.
Nhờ những nỗ lực trong suốt thời gian qua, ngành giáo dục huyện Mộc Châu đã luôn duy trì được kết quả phổ cập giáo dục – xóa mù chữ và là huyện đầu tiên của tỉnh đạt PCGD THCS mức độ 3. Từ đó, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển, nâng cao và thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương./.
T/h: Thùy Mai – Nguyễn Vân (Trung tâm TT-VH huyện Mộc Châu)
Nguồn: https://sonlatv.vn/xoa-mu-chu-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-23061.html