Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử đã và đang trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Thương mại điện tử không chỉ là một phương tiện kinh doanh mà còn là công cụ chiến lược giúp các doanh nghiệp, HTX mở rộng quy mô, cải thiện hiệu quả và tăng cường cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nayđang là thời điểm nông dân huyện Mường La bước vào vụ thu hoạch táo, trái cây đặc sản của địa phương này. Nếu như trước đây táo được thu hoạch sẽ chào bán qua thương lái hoặc bán đổ ra các đầu mối phân phối…Thì nay sản phẩm táo của bà con làm ra đã có thêm một kênh tiêu thụ khác mang tên sàn thương mại điện tử.
Chị Nguyễn Thị Bền, xã Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La: So với ngày xưa chưa có mạng công nghệ thông tin và đến hiện tại bây giờ, chúng tôi vào mùa thu quả thì phải tự đi bán, rất mất thời gian và không mang lại hiệu quả cao. Bây giờ nhờ có công nghệ thông tin thì chúng tôi có thể đăng bài, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Đối với nhiều doanh nghiệp, HTX, sàn thương mại điện tử đã trở thành thị trường mới được doanh nghiệp khai thác, đón đầu. So với kinh doanh truyền thống, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí vận hành, như chi phí thuê mặt bằng, nhân sự hay lưu kho. Với lợi ích là vậy, tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp địa phương tiếp cận lên sàn thương mại điện tử chưa cao bởi còn nhiều rào cản trong thủ tục pháp lý và kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường mới này.
Ông Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiên Sơn, Mộc Châu, Sơn La: Những lợi ích về sàn thương mại điện tử ai cũng đã thấy rõ. Tuy nhiên doanh nghiệp còn gặp phải nhiều rào cản khi tham gia vào sân chơi mới này. Do đó chúng tôi rất cần có một đơn vị trung gian và các chuyên gia hướng dẫn, để doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm, khai thác tốt nhất tiềm năng của thị trường này.
Nắm bắt được thực tế trên, Sở Công thương đã nhanh chóng tiếp cận với các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn quốc, thực hiện hỗ trợ đưa các sản phẩm của địa phương tham gia vào chuỗi mô hình kinh doanh số này. Tổ chức các chương trình tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX có thêm kinh nghiệm trong việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công thương Sơn La: Sở Công thương cũng đã trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp HTX xây dựng cách thức hỗ trợ người dân đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, làm tốt các quy chế phối hợp về thủ tục pháp lý để làm sao, nhiều mặt hàng của Sơn La tham gia sâu rộng vào thị trường mới này, góp phần quảng bá nâng cao giá trị cho các mặt hàng của tỉnh
Đến nay đã có trên 70 sản phẩm nông sản của địa phương được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử đã thu hút sự quan tâm đông đảo của người tiêu dùng, kết nối, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Sơn La. Doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng qua sàn thương mại điện tử giai đoạn 2021-2024 dự ước đạt gần 3.000 tỷ đồng và chiếm khoảng 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh./.
Thực hiện: Cầm Giang
Nguồn: https://sonlatv.vn/vai-tro-cua-thuong-mai-dien-tu-trong-thuc-day-kinh-doanh-25046.html