Sau gần 2 năm triển khai mô hình “Nuôi cá lăng nha trong lồng tại hồ chứa thủy điện Sơn La – Hòa Bình theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại huyện Quỳnh Nhai và Mường La, bước đầu hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ đầu năm 2023, với sự tham gia của 4 hộ nuôi cá lồng tại các xã Chiềng Ơn và Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai và xã Hua Trai, Chiềng Lao, huyện Mường La, quy mô hỗ trợ 300 m3, Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí mua con giống và 50% kinh phí đầu tư thiết bị và vật tư thiết yếu, còn lại là các hộ tham gia đối ứng. Ngoài ra, các hộ còn được tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, kiểm tra, giám sát mô hình.
Tham gia mô hình, gia đình ông Điêu Chính Thọ, bản Pá Uôn, xã Mường Giàng và hộ ông Quàng Văn Cường, bản Đồng Tâm, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, đã được cấp hơn 3.000 con lăng nha giống; hỗ trợ thức ăn hỗn hợp, hóa chất, chế phẩm sinh học, cùng các vật tư thiết yếu. Sau 2 năm triển khai, cá sinh trưởng ổn định, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt từ 90% trở lên. Hai hộ tham gia đã được chứng nhận cơ sở nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Còn tại huyện Mường La, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn 2 hộ nuôi cá lồng tại xã Chiềng Lao và Hua Trai để thực hiện mô hình nuôi cá lăng nha. Các hộ đã được hỗ trợ 3.000 con giống, tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả. Dự kiến trong năm 2024, các hộ tham gia mô hình sẽ hoàn tất hồ sơ để được xét đánh giá, chứng nhận cơ sở nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trong 2 năm (2023 và 2024), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã in và phát hành 600 tờ gấp giới thiệu về quy trình kỹ thuật nuôi cá lăng nha áp dụng trong dự án; tổ chức 4 lớp tập huấn xây dựng mô hình và đào tạo, tập huấn nhân rộng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng, cá lăng nha cho trên 100 lượt người. Đồng thời, cung ứng 6.000 con cá lăng nha giống; hỗ trợ thức ăn hỗn hợp, hóa chất, chế phẩm sinh học, cùng các vật tư thiết yếu; hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, giám sát mô hình, đánh giá cấp chứng nhận VietGAP cho các cơ sở nuôi theo quy định. Các hộ tham gia mô hình còn được tham gia hội thảo và cam kết tiêu thụ cá thương phẩm.
Mô hình nuôi cá lăng nha an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La – Hòa Bình, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nuôi cá lồng và hợp tác xã, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thành công các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nuôi thủy sản bền vững, hiệu quả.
Phan Trang
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/trien-vong-mo-hinh-nuoi-ca-lang-nha-SQli8eZNg.html