Sản xuất sạch, tiêu dùng sạch đang dần trở thành xu hướng trong xã hội hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, các mô hình chăn nuôi vịt bản, gà đen, lợn đen mang lại nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Gia đình ông Lả đã có truyền thống nuôi vịt bản cổ xanh hơn chục năm nay, trước đây chỉ nuôi nhỏ lẻ, phục vụ sinh hoạt gia đình, sau này khi liên kết thành công với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Sơn La, ông đã mạnh dạn phát triển quy mô đàn vịt từ 3 nghìn đến 4 nghìn con/năm.
Ông TÒNG VĂN LẢ – Bản Hùn, xã Chiềng Cọ, TP Sơn La: Nuôi vịt thì ngày xưa cũng nuôi nhỏ nhỏ, ít thôi, được nhà hàng họ cũng ưa chuộng thì cũng bảo nuôi cho nên tôi cũng tăng dần. Trước 1 năm cũng chỉ nuôi được 1 nghìn con thôi, năm nay cũng phải được 4 nghìn con.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, ông Lả chọn giống vịt cổ xanh bản địa, nuôi theo hướng chăn thả tự nhiên, chuồng trại được đầu tư kiên cố, đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ, kết hợp chế độ ăn các loại tinh bột như ngô, sắn, thóc và tiêm vắc xin đầy đủ. Năm 2024 vừa qua, ông Lả nuôi gối đàn được 4 lứa, xuất bán ra thị trường gần 4 nghìn con vịt, thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Ông TÒNG VĂN LẢ – Bản Hùn, xã Chiềng Cọ, TP Sơn La: Cũng quen làm rồi, nuôi cũng dễ thôi, quan trọng là khi vịt còn nhỏ thì mình phải tiêm vắc xin, không đủ vắc xin thì không nuôi được đâu. Mình phải làm chuồng trại ổn định, chống mưa, không úng nước, nền phải khô thoáng, nếu không sinh bệnh nhiều lắm.
Còn tại xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tận dụng diện tích ao cá sẵn có, mô hình nuôi vịt cổ xanh đặc sản đã được thí điểm từ đầu năm 2024, thu hút 20 hộ gia đình tham gia. Đây là giống vịt bản địa, có sức đề kháng cao, được nuôi theo hình thức bán chăn thả. Vịt Chiềng La có xương nhỏ, thịt chắc, hương vị thơm ngon riêng biệt, được thị trường đón nhận và đánh giá cao, mở ra hướng phát triển mới cho người dân địa phương.
Anh QUÀNG VĂN MẠNH – Bản Cát Lót, xã Chiềng La, Thuận Châu, Sơn La: Trước đây gia đình tôi chủ yếu nuôi gà để phục vụ gia đình, được xã tuyên truyền, vận động nuôi vịt bản thì tôi có nuôi lứa thứ nhất được xuất bán mang lại hiệu quả kinh tế, bây giờ tôi nuôi lứa thứ 2 là 200 con để tiếp tục nhân rộng mô hình vịt bản của xã Chiềng La. Nuôi vịt bản thì rất dễ nuôi, ít bị bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng sạch, tại một số địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển một số vật nuôi bản địa như gà đen, lợn đen, vịt cổ xanh bản địa để cung ứng ra thị trường. Tại huyện Thuận Châu, mô hình nuôi gà đen theo hướng hàng hóa đang được triển khai tại các xã vùng cao như Long Hẹ, Mường É.. Tại HTX Nông nghiệp Chà Mạy đang tập trung phát triển gần 1.000 con gà đen bản địa theo hướng hàng hóa, một hướng đi hứa hẹn đầy tiềm năng tại mảnh đất vùng cao Long Hẹ.
Anh LẦU A LÂU – Giám đốc HTX Chà Mạy, xã Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La: Kết hợp tất cả các sản phẩm từ giống gà, trứng, thịt thương phẩm, bổ sung 1 số sản phẩm như ruốc gà đen, thịt nguyên con. Bà con trước chỉ nuôi phục vụ gia đình thôi, bây giờ mình nuôi theo kiểu phát triển kinh tế, nuôi nhiều thì thấy tiềm năng rất lớn, vừa bảo tồn, vừa có sản phẩm từ địa phương tạo ra.
Hiện nay các mô hình phát triển vật nuôi bản địa theo hướng hàng hóa chưa nhiều, trong khi nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm sạch lại rất lớn. Tùy điều kiện thực tế tại các địa phương, người dân nên cân nhắc lựa chọn, triển khai nhân rộng các mô hình chăn nuôi phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đồng thời tạo thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập và cải thiện đời sống gia đình./.
Thực hiện: Vũ Ánh
Nguồn: https://sonlatv.vn/tiem-nang-tu-cac-loai-nong-san-dia-phuong-25482.html