Quy Hướng là xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình với hàng trăm ha mặt nước. Tận dụng thế mạnh đó, xã đã định hướng nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Gia đình ông Hà Văn Thu và bà Vì Thị Chướng ở bản Nà Quền là một trong những hộ nuôi cá lồng sớm nhất ở xã Quy Hướng. Gia đình ông đầu tư lồng cá làm bằng khung sắt kiên cố, nuôi các loại cá: Chép, mè, trắm đen, rô phi,… Nhờ có nguồn nước sạch và thức ăn sẵn có từ ngô, sắn và các loại cá nhỏ nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư mua thức ăn cho cá. Ông cũng từng là cán bộ hội nông dân xã, sau khi nghỉ hưu tập trung phát triển nghề nuôi cá nên rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật chăm sóc cá.
Ông Hà Văn Thu- Bản Nà Quền, xã Quy Hướng, Mộc Châu, Sơn La: Chăn nuôi cá thì chỉ cần mang cỏ cho ăn mà không phải chế biến nên là lợi nhuận cao hơn so với các vật nuôi khác và thứ hai là thời gian ngắn lớn nhanh. Chăm sóc rất là đơn giản, nếu nuôi công nghiệp thì lớn nhanh tốn tiền và bán khó vì thị trường không chấp nhận. Cho nên cá nuôi bằng cỏ hữu cơ có điều kiện thì mua thêm cá tép cho ăn thì cá lớn nhanh và không tốn thời gian. Khi chuẩn bị xuất chuồng thì cho ăn bằng ngô ủ nảy mầm và hạt thóc thóc này mầm để đỡ công lấy cỏ và thịt săn chắc hơn.
Chăm sóc cá lồng không mất quá nhiều thời gian trong ngày, gia đình ông Thu chỉ cần tập trung buổi sáng để lấy thức ăn cho cá. Thời gian còn lại ông tranh thủ nuôi thêm đàn dê gần 100 con. Từ chăn nuôi đã mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bà Mùi Thị Chướng- Bản Nà Quền, xã Quy Hướng, Mộc Châu, Sơn La: Gia đình ông bà chỉ chăn nuôi dê và cá đồng thôi. Bởi vì chăn nuôi dê thì cũng rất là dễ. Thời điểm trước cũng bán cũng được 160.000/ 1 kg. Dê thì bán dễ hơn các thứ khác.
Để cụ thể hóa mục tiêu đưa nghề nuôi cá lồng trở thành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã Quy Hướng đã quy hoạch phát triển thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình nuôi, sản xuất cá giống có giá trị kinh tế cao cho người dân. Hiện nay số hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã đã tăng lên 37 hộ với 145 lồng cá. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng cá từ nuôi và đánh bắt tự nhiên đạt khoảng 60 tấn.
Ông Mùi Văn Sứ-Chủ tịch UBND xã Quy Hướng, Mộc Châu, Sơn La: Xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế- xã hội. Tập trung vào trồng rừng tập trung, phát triển cây ăn quả. Đặc biệt là xã Quy Hướng có thể tận dụng lợi thế của địa phương là vùng lòng hồ sông Đà để lãnh đạo cho nhân dân phát triển nuôi cá lồng trên sông. Từ đó đời sống của nhân dân từng bước được ổn định bộ mặt của xã ngày càng đổi mới đi lên.
Nuôi cá lồng là nghề có tiềm năng lớn và phù hợp với địa phương có diện tích mặt nước lớn như Quy Hướng. Để nghề nuôi cá lồng ngày càng phát triển các cấp, các ngành của huyện Mộc Châu sẽ định hướng, hỗ trợ các hộ nuôi cá liên kết với nhau để chủ động nguồn cá giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế bền vững và tái tạo nguồn lợi thủy sản hiệu quả trên lòng hồ sông Đà./.
T/h: Thùy Mai – Đức Cường (Trung tâm TT-VH huyện Mộc Châu)
Nguồn: https://sonlatv.vn/thuc-day-nghe-nuoi-ca-long-tren-long-ho-song-da-24176.html