Nâng cao giá trị nông sản, tỉnh Sơn La đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư tham gia thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần từng bước phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 82.626 ha cây ăn quả và cây sơn tra; trong đó, 73.026 ha cây ăn quả, 9.600 ha cây sơn tra. Một số cây trồng có diện tích, sản lượng lớn, gồm: 13.276 ha mận, sản lượng 85.985 tấn; 19.853 ha nhãn, sản lượng trên 66.000 tấn; 19.578 ha xoài, sản lượng trên 71.500 tấn; 1.098 ha na, sản lượng khoảng 6.645 tấn và 805 ha dâu tây, sản lượng trên 7.800 tấn… Thông qua hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản, đến ngày 20/11, toàn tỉnh tiêu thụ được 348.653 tấn hoa quả, ước đạt 93% sản lượng, giá trị ước đạt trên 5.310 tỷ đồng. Thời điểm này, một số loại cây ăn quả thu hoạch xong, như: Dâu tây, mận, xoài, nhãn. Nông dân đang tập trung thu hoạch na, chuối và các loại cây có múi.
Ngoài tiêu thụ quả tươi, toàn tỉnh còn có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản; mỗi năm, công suất chế biến từ vài chục đến hàng nghìn tấn xoài, nhãn, cà phê, sắn, dứa, mận hậu, ngô ngọt, chuối, mắc ca, quả sơn tra, các loại rau, củ…, góp phần giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị nông sản. Hiện nay, các sản phẩm trái cây của tỉnh còn được các doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến thành các sản phẩm trái cây sấy dẻo, sấy giòn, nước cốt, nước ép, long nhãn; các sản phẩm được Công ty cổ phần Bích Thị, tỉnh Hưng Yên; Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA, tỉnh Hải Dương, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Danko; Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Minh Khai, tỉnh Lào Cai; Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm hữu cơ Hà Nội…, thu mua, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sơn La thu hút đầu tư 11 dự án chế biến nông sản quy mô lớn, trong đó, 8 dự án được cấp chủ trương đầu tư mới. Ngoài ra, tỉnh đang thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 1 dự án; tiếp tục thẩm định trình chấp thuận chủ trương 2 dự án, gồm: Dự án nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy của Công ty cổ phần sản xuất thương mại đầu tư VFI; Dự án nhà máy đóng gói và chế biến hoa quả Solas của Công ty cổ phần Bảo Lâm Sơn La.
Các nhà máy chế biến nông sản hoạt động hiệu quả, không ngừng phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết, như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ dân; các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với trên 510 hộ trong chăn nuôi và hàng trăm hộ trồng ngô, phục vụ Nhà máy TMR…
Bà Nguyễn Hằng Nga, Giám đốc Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La, cho biết: Công ty có 1.461 ha vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, đạt 99% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thu mua trên 26.000 tấn nông sản đưa vào chế biến, trong đó, gồm: 2.755 tấn ngô ngọt, 1.163 tấn rau chân vịt, 2.537 tấn chuối tiêu hồng, 15.785 tấn xoài, 2.180 tấn chanh leo, 1.547 tấn đậu tương rau, 63 tấn nhãn.
Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La thu mua sơ chế cà phê và đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm mới. Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc công ty, thông tin: Công ty đưa dây chuyền chế biến trà Cacara vào hoạt động, gồm: Hệ thống rửa quả tiêu chuẩn thực phẩm, tách vỏ, sấy khử UV; hệ thống sấy lạnh đa chức năng, đảm bảo giữ nguyên hương vị, màu sắc; đóng gói tự động sản phẩm túi lọc vuông, túi lọc tam giác, công suất thiết kế 0,5 tấn trà/lô sản xuất. Trước đây, toàn bộ vỏ quả cà phê làm phân bón hoặc vật liệu đốt, khi đưa dây chuyền sản xuất trà Cascara vào hoạt động, tạo ra sản phẩm trà đặc biệt, có giá trị kinh tế cao và được thị trường các nước châu Âu đón nhận.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Năm 2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 28,3%, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,6%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến ước tăng so với cùng kỳ, như: Chè sơ chế tăng 5,36%; tinh bột sắn tăng trên 20%; sữa tươi tiệt trùng tăng trên 5,71%;… Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản đạt 5.360 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2023.
Tiếp tục thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, ngày 22/8, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán lập Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La, địa điểm tại tiểu khu 12, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, quy mô tối thiểu 50 ha. Cùng với đó, ngày 30/8, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán lập Đề án xây dựng Sơn La thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội, thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn, phát triển sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Minh Thu
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/thu-hut-dau-tu-nang-cao-gia-tri-nong-san-s6v1HB7NR.html