LTS: Phát triển thị trường các-bon nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong việc tham gia chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, tạo ra nguồn lực tài chính hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng, giúp người dân có thêm nguồn thu, giảm tình trạng xâm hại rừng và bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững. Phóng viên Báo Sơn La có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Xin ông cho biết về tín chỉ các-bon rừng và phát triển thị trường các-bon?
Ông Trần Đức Thuận: Theo Cục Lâm nghiệp Việt Nam, đến nay Việt Nam đang triển khai duy nhất một chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ các-bon rừng. Đó là thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB). Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2 (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2), với đơn giá là 5 USD/tấn CO2, tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD; trong đó, 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC). Để thực hiện ERPA, ngày 28/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP quy định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), Cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021. Theo đó, dự kiến Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent sẽ được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.
Thời gian qua, một số tỉnh đã đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ các bon rừng, trong đó có tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh chưa thực hiện được do thiếu quy định pháp luật và các hướng dẫn chi tiết.
PV: Tiềm năng phát triển thị trường các-bon của tỉnh Sơn La như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Đức Thuận: Ngày 9/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025. Theo đó, diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Sơn La là 694.741 ha; trong đó, có 334.100 ha đất rừng phòng hộ, 87.831 ha đất rừng đặc dụng và 272.810 ha đất rừng sản xuất. Đến hết năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,5% và đến hết năm 2024, sẽ tăng lên 48%. Như vậy, cùng với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì tỉnh Sơn La có tiềm năng lớn huy động các nguồn tài chính thông qua việc tham gia thị trường các-bon trong nước và quốc tế khi có đầy đủ các điều kiện về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chi tiết, cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết NDC. Nguồn tài chính này sẽ góp phần trực tiếp vào công tác bảo vệ, và phát triển rừng bền vững, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, tháo gỡ khó khăn cho các ban quản lý rừng, doanh nghiệp và giảm đầu tư từ ngân sách của nhà nước cho lĩnh vực lâm nghiệp.
PV: Xin ông cho biết cơ sở pháp lý để tỉnh Sơn La triển khai kinh doanh tín chỉ các-bon rừng?
Ông Trần Đức Thuận: Ngày 17/6/2022, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 176/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Sơn La xây dựng và thực hiện Đề án “Thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng”. Đây là đề xuất cho phép triển khai một trong các cấu phần của thị trường tín chỉ các-bon (hấp thụ các-bon từ rừng), với cơ chế thí điểm, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và cho phép đánh giá tính hiệu quả trước khi Nhà nước ban hành một quy phạm chính thức đối với toàn bộ thị trường tín chỉ các-bon. Việc xây dựng và triển khai thí điểm Đề án cho phép đặt quá trình thực hiện dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước tại địa phương, đảm bảo tính khả thi, cũng như sự tin cậy cho các chủ thể tham gia thị trường tín chỉ các-bon rừng.
PV: Mục tiêu phát triển thị trường các-bon của tỉnh như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Đức Thuận: Với mục tiêu tạo được trên 7 triệu tín chỉ các-bon rừng trong cả giai đoạn, trung bình mỗi năm tỉnh ta sẽ thu về khoảng trên 100 tỷ đồng, đây sẽ là nguồn lực ngoài ngân sách rất lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Đồng thời, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ ít phát thải khí các-bon, sản xuất khép kín, sử dụng chất thải của sản phẩm trước làm nguyên liệu cho sản phẩm sau, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng và triển khai Đề án “Thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng tại tỉnh Sơn La giai đoạn đến năm 2030”. Đề án được xây dựng trên cơ sở các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Mục tiêu, xác lập quan hệ chi trả giữa bên phát thải khí CO2 và bên hấp thụ và lưu giữ các-bon theo nguyên tắc tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ phải được chi trả cho bên cung ứng dịch vụ; tạo ra cơ chế huy động các nguồn tài chính ổn định, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng. Đồng thời, từng bước hình thành tín chỉ các-bon đáp ứng được các tiêu chuẩn và tính thanh khoản trên thị trường các-bon nội địa và quốc tế. Thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của nhà nước; thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đặc biệt, có thêm nguồn kinh phí phục vụ trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa để tăng khả năng hấp thụ các-bon.
Việc xây dựng và triển khai Đề án “Thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng tại tỉnh Sơn La giai đoạn đến năm 2030” có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; góp phần hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP 26 “Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính của cả nước bằng “0” vào năm 2050”. Lợi ích của thị trường tín chỉ các-bon sẽ tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và hoạt động giảm phát thải, thúc đẩy phát triển bền vững và khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
P.V: Xin cảm ơn ông.
Ngọc Thuấn (Thực hiện)
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/tao-nguon-luc-tai-chinh-tu-thi-truong-cac-bon-V3RF4vgHg.html