Phóng viên: Ông có thể cho biết một số thông tin nổi bật về tình hình kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh?
Ông Lường Văn Toán: Ở Sơn La, đồng bào La Ha cư trú nhiều nhất ở huyện Mường La, với 4.682 nhân khẩu; huyện Thuận Châu có 3.076 nhân khẩu, huyện Quỳnh Nhai có 1.929 nhân khẩu. Ngoài ra, ở huyện Mộc Châu có 254 nhân khẩu người La Ha, tập trung ở xã Tân Lập.
Thời gian qua, từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cùng với các dân tộc anh em, đồng bào dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện.
Trước hết, là có sự gia tăng đáng kể về dân số. Năm 2019, điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế – xã hội cho thấy, đồng bào dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh có 2.254/10.015 nhân khẩu. Sau 4 năm, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 được UBND tỉnh phê duyệt tại theo Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 thì toàn tỉnh có 2.386 hộ/10.756 khẩu người dân tộc La Ha, chiếm 0,81% dân số của tỉnh.
Đời sống của đồng bào dân tộc La Ha đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Tại thời điểm tháng 4/2019, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh có 1.100 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,8%) và 318 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 14,1%).
Đến hết năm 2022, theo kết quả rà soát được UBND tỉnh phê duyệt, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/NĐ-CP, dân tộc La Ha còn 674 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 28,25%) và 327 hộ cận nghèo (chiếm 13,70%).
Phóng viên: Hiện nay, những địa bàn nào của tỉnh Sơn La có đồng bào dân tộc La Ha sinh sống được thụ hưởng nguồn lực đầu tư từ Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719, thưa ông?
Ông Lường Văn Toán: Để triển khai Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719, ngày 04/10/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 235/NQ-HĐND phê duyệt danh sách 36 bản tại 17 xã thuộc 03 huyện có đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù được đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719.
Theo đó, huyện Quỳnh Nhai có 05 bản thuộc 02 xã; huyện Mường La có 18 bản thuộc 11 xã; huyện Thuận Châu có 13 bản thuộc 4 xã có đông đồng bào La Ha sinh sống tập trung là địa bàn triển khai Tiểu dự án 1 – Dự án 9 cho dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025.
Trước đó, căn cứ các Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 27/10/2022 về thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đối với Tiểu dự án 1 – Dự án 9, Kế hoạch số 257/KH-UBND đưa ra nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn bản có đông đồng bào dân tộc La Ha; hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha thuộc các xã, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Ông có thể cho biết một số kết quả bước đầu trong việc triển khai Tiểu dự án 1 – Dự án 9 trên địa bàn tỉnh?
Ông Lường Văn Toán: Đối với Tiểu dự án 1 – Dự án 9, tỉnh đã và đang tập trung triển khai các nội dung chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống. Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 251,24/488,72 tỷ đồng vốn của Tiểu dự án 1 – Dự án 9, đạt 51,62% kế hoạch vốn giao.
Từ nguồn vốn thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 9, nhiều công trình hạ tầng sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương có đồng bào dân tộc La Ha sinh sống.
Chẳng hạn ở bản Hán, xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu), thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9, trong năm 2022 và 2023, bản được đầu tư 4 công trình hạ tầng (tuyến mương nội đồng dài 600m, tuyến đường từ trung tâm xã về bản gần 3km, nâng cấp nhà văn hóa và tuyến đường từ bản Hán về bản Nà Heo), với tổng vốn gần 16,8 tỷ đồng.
Hạ tầng cơ sở bản Hán được đầu tư đồng bộ đã góp phần đưa xã Chiềng Pha đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 11,9%; thu nhập bình quân đạt 42,1 triệu đồng/người/năm. Riêng bản Hán, cuối năm 2023, cả bản còn 2/69 hộ là hộ nghèo, còn 7 hộ cận nghèo.
Năm 2024, theo Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 04/3/2024 của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn (vốn Trung ương) được giao để thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9 là 125,474 tỷ đồng. Tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của Tiểu dự án 1; đồng thời có những điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Trung ương có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 9.
Phóng viên: Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 9 trên địa bàn tỉnh Sơn La là gi, thưa ông?
Ông Lường Văn Toán: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và các địa phương, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 nói chung, với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, đến thời điểm này, toàn tỉnh không để phát sinh nợ đọng vốn đầu tư các công trình dự án đầu tư.
Tuy nhiên, cùng phải nhìn nhận là, Chương trình MTQG 1719 có nội dung, quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền trách nhiệm quản lý, hướng dẫn của nhiều ngành. Một số quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chậm ban hành, phải sửa đổi, bổ sung và còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện.
Với Tiểu dự án 1 – Dự án 9, nguồn vốn sự nghiệp thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ DTTS có khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được Chính phủ giao từ năm 2022 và năm 2023. Năm 2024, Chính phủ không giao vốn sự nghiệp thực hiện nội dung này.
Hiện nay, để thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho đối tượng thụ hưởng tỉnh Sơn La đề nghị Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài Chính cho biết địa phương có được sử dụng vốn chuyển nguồn từ năm 2022, 2023 sang năm 2024 để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp cho các hộ gia đình theo định mức từ năm 2023 và cả năm 2024 không?
Ví dụ như nội dung hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm: Tối đa 10 triệu đồng/hộ/năm theo định mức tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính; Năm 2024 tỉnh Sơn La thực hiện hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ (bao gồm cả định mức hỗ trợ cho năm 2023 và năm 2024).
Ngoài ra, đối với dân tộc có khó khăn đặc thù, tỉnh đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn để tất cả các hộ dân tộc có khó khăn đặc thù cùng được hưởng các chính sách như nhau (như các chính sách hỗ trợ phát triển hộ gia đình, chính sách hỗ trợ về con người). Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét có hướng dẫn riêng, cụ thể đối với từng nội dung của dự án đặc thù theo điểm a, khoản 9, Mục III, Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cùng với dầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống, thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các dân tộc còn nhiều khó khăn (Kháng, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú) trên địa bàn 11 huyện đã được phê duyệt theo Quyết định 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời triển khai tuyên truyền vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn 202 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Sơn La: Chủ động điều chỉnh vốn để bảo đảm hiệu quả đầu tư