Năm qua, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Trong thành công đó, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế – xã hội của tỉnh.
Năm 2024, vừa qua là năm tăng tốc của chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, xây dựng dữ liệu dùng chung, thúc đẩy kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Trên 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đều đã ứng dụng nền tảng số trong hoạt động quản trị nội bộ, sản xuất, kinh doanh. Góp phần tăng trưởng kinh tế số, đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh.
Ông Vũ Văn Hợp, Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La: “Trong thời gian qua, doanh nghiệp chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng các thiết bị máy móc để gia tăng hiệu quả công việc như họp trực tuyến, các app kiểm soát công việc, đồng thời gia tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Mặt khác chúng tôi cũng tham gia vào sàn thương mại điện tử, các sản phẩm của công ty được tiêu thụ mạnh mẽ hơn, góp phần gia tăng doanh thu cho đơn vị”
Năm 2024, cũng đánh dấu thương mại điện tử có những bước phát triển nhanh chóng, tỉnh Sơn La thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX cùng người dân đưa các mặt hàng nông sản tiêu biểu của địa phương lên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng qua sàn thương mại điện tử giai đoạn 2021-2024 dự ước đạt gần 3.000 tỷ đồng và chiếm khoảng 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công thương Sơn La: “Sở Công thương cũng đã trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp HTX xây dựng cách thức hỗ trợ người dân đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, làm tốt các quy chế phối hợp về thủ tục pháp lý để làm sao, nhiều mặt hàng của Sơn La tham gia sâu rộng vào thị trường mới này, góp phần quảng bá nâng cao giá trị cho các mặt hàng của tỉnh”
Thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nhằm mục đích cải thiện hiệu quả, minh bạch và chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại 725 cơ quan, đơn vị, kết nối với 100% sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện kết nối hoàn toàn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La: “Năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn. Trong đó, chúng tôi tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Lấy đó làm cơ sở, nền tảng để thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của địa phương gắn với chuyển đổi số”
Chuyển đổi số không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả tích cực, như xây dựng hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dịch vụ công, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các dịch vụ thông minh.
Ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: “Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và chính quyền các cấp để triển khai chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước các cấp về Kiến trúc Chính quyền điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu. Thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển chính quyền số. Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số”.
Dấu ấn năm 2024 không chỉ nằm ở con số hay thành tựu, mà còn ở sự chuyển đổi tư duy và hành động của cả cộng đồng từ chính quyền đến người dân trong việc tiếp nhận và khai thác hiệu quả công nghệ số. Đây chính là nền tảng vững chắc để Sơn La tiếp tục chinh phục những cột mốc mới, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội số toàn diện và phát triển. Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam vươn mình cùng kỷ nguyên số./.
Thực hiện: Cầm Giang
Nguồn: https://sonlatv.vn/son-la-but-pha-cung-chuyen-doi-so-25588.html