Ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Hội nghị được kết nối tới 26 điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có các đồng chí: Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
Bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn chưa có tiền lệ. Đến ngày 27/9, bão đã làm 344 người chết và mất tích; 404 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng và bị ngập; trên 284,4 nghìn ha lúa bị ngập úng; hơn 100 nghìn ha cây ăn quả và hoa màu bị thiệt hại; 35 nghìn ha cùng 11,8 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản và gần 5,7 triệu con gia súc, gia cầm bị thiệt hại… Về cơ sở hạ tầng, có 244 đường dây cao thế, 1.678 đường dây trung thế gặp sự cố gây ảnh hưởng đến 6 triệu khách hàng cùng 432 khu công nghiệp bị mất điện; 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại; xảy ra 796 sự cố đê điều trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố; 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc; 2.211 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng; 1.306 công trình nước sạch bị hư hỏng… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.
Công tác ứng phó với bão số 3 đã được Bộ Chính trị ban hành kết luận chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 công điện yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình, kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương ứng phó với bão. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tới các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ để cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai ứng phó, kịp thời động viên, thăm hỏi nhân dân vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia gồm 350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo để các địa phương, cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ người dân có nguy cơ thiếu đói. Các tổ chức cá nhân hỗ trợ 432,98 tỷ đồng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại. Các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại, đến nay, hệ thống điện cơ bản hoàn thành khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho 99,7% khách hàng; các tuyến đường bộ đã thông tuyến; hệ thống đê điều đã được kiểm tra, khắc phục…
Hội nghị đã tập trung thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới với các nội dung: Tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất; có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả phù hợp với từng địa phương. Áp dụng các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu; xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ những khó khăn, mất mát của nhân dân các tỉnh, thành phố, đồng thời, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành cùng các địa phương và lực lượng Quân đội, Công an, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão Yagi gây ra. Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội, sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, đã hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu không để nhân dân thiếu ăn, thiếu chỗ ở, học sinh được đến trường, người ốm được khám chữa bệnh. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Thủ tướng yêu cầu rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế – xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Chậm nhất đến 31/12/2024, hoàn thành việc xây nhà mới cho các hộ bị thiệt hại nhà ở do thiên tai, đảm bảo “3 cứng” gồm: Vách cứng, nền cứng và mái cứng.
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể làm tốt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, lợi dụng thiên tai để trục lợi. Yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Phú Thọ xây dựng xong cầu Phong Châu trong năm 2025
Tin, ảnh: Khải Hoàn
Nguồn: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/so-ket-danh-gia-rut-kinh-nghiem-ve-cong-tac-phong-chong-va-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-mIaz53RHg.html