Triển khai Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các khóa học như chăm sóc cây, chăn nuôi gia cầm không chỉ giúp người dân nâng cao tay nghề mà còn định hướng cho họ những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Nhờ đó, nhiều lao động nông thôn đã có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị Lò Ngọc Thảo, một người dân ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, đã tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia cầm. Khóa học không chỉ cung cấp kiến thức về kỹ thuật chăm sóc gà ở từng giai đoạn, từ khi mới nở đến khi đạt trọng lượng tiêu chuẩn để xuất bán, mà còn hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh, quản lý thức ăn và môi trường nuôi. Sau khi hoàn thành khóa học, chị Thảo đã tự tin hơn trong việc áp dụng các kỹ thuật này vào thực tế chăn nuôi tại gia đình, qua đó cải thiện năng suất, chất lượng đàn gà và tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Chị LÒ NGỌC THẢO – Bản Tông Hùm, Mường Và, Sốp Cộp, Sơn La: Qua lớp học này tôi học được rất nhiều kiến thức bổ ích và biết cách chăm sóc phòng bệnh và cách chăn nuôi gà và giúp tôi biết được nhiều kiến thức bổ ích để phát triển kinh tế.
Không chỉ tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, các học viên là người dân tộc thiểu số còn được trang bị kiến thức về chăm sóc cây ăn quả và cây công nghiệp. Những kiến thức này giúp họ nắm vững các kỹ thuật canh tác hiện đại, phương pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, cũng như cách quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai một cách bền vững, không chỉ nâng cao năng suất cây trồng mà còn giúp họ cải thiện thu nhập và bảo vệ môi trường sống.
Ông VÌ VĂN AN – Bản Pặt Pháy, Dồm Cang, Sốp Cộp, Sơn La: Thầy chỉ dạy cắt tỉa cho nó sáng sủa cây và biết được những cách thức làm cây cà phê cho năng suất cao.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Sốp Cộp đã mở 16 lớp đào tạo nghề cho hơn 450 học viên là người dân tộc thiểu số. Riêng năm 2024 đã mở 3 lớp với 95 học viên tham gia.
Thạc sỹ HOÀNG VĂN GIÁP – Khoa Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Sơn La: Chúng tôi sẽ truyền đạt cho học viên những kiến thức thực tế, gần gũi để học sinh có thể nắm bắt được. thực tế quy trình cách chăm sóc nuôi dưỡng, chọn giống gà, cách làm chuồng như thế nào, để giúp cho học viên có thể tự tin nắm bắt kiến thức để phục vụ cho phát triển kinh tế tốt hơn để thoát nghèo.
Nhờ những nỗ lực này, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững tại các địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong thời gian tới./.
Thực hiện: Cao Nguyên
Nguồn: https://sonlatv.vn/quan-tam-giao-duc-nghe-nghiep-vung-ngheo-vung-kho-khan-25661.html