Huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La không chỉ nổi tiếng với những vườn cây ăn quả trù phú mà còn là nơi lưu giữ giống lúa tẻ địa phương I1 gắn liền với đời sống bao thế hệ người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự xuất hiện của các giống lúa lai, giống lúa tẻ quý hiếm này từng đứng trước nguy cơ mai một. Trước thách thức đó, huyện Sông Mã đã phối hợp với đơn vị chức năng thực hiện nhân giống để bảo tồn và phát triển giống lúa quý này.
1 của Sông Mã nổi bật với thân cây cao và cứng, hạt gạo dài, trắng ngần, dẻo thơm tự nhiên, được ví như ngọc trời trong mỗi bữa cơm của đồng bào Thái nơi đây. Tuy nhiên, trong những năm qua, diện tích trồng giống lúa này giảm mạnh, chỉ còn lác đác ở một số thửa ruộng nhỏ lẻ.
Ông Cà Văn Nói, Bản Nà Hin, xã Nà Nghịu , huyện Sông Mã, Sơn La: Giống lúa I1 xưa có trồng, nhưng dần dần nó có nhiều giống khác, nên nó mai một đi. Từ khi nghiên cứu nhân rộng giống lúa địa phương, gia đình cũng trồng. Tôi mong sao mình duy trì giống này, tạo ra chất lượng gạo cho bà con chúng tôi.
Ông Lò Văn Tưởng, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, Sông Mã, Sơn La: Lúa I1 có ưu điểm dễ chăm sóc và không bị sâu bệnh hại, dùng phân ít, không cần bón phân nhiều như các giống khác, nó chống chịu tốt với hạn hán, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Hiện nay trên địa bàn xã phục tráng 5000m2, trên cơ sở đó bà con tham quan, địa phương rất mong muốn được nhân rộng mô hình lấy giống tẻ I1 làm nền tảng để sản xuất trên địa bàn xã.
Để bảo tồn giống lúa quý này, tháng 4 năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc phối hợp với địa phương triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa địa phương (I1)”. Sau hơn 2 năm, các nhà khoa học đã phối hợp với nông dân tiến hành chọn lọc hạt giống tốt nhất, đảm bảo giữ được các đặc tính quý của giống lúa gốc đó là đẻ nhánh nhanh, ít sâu bệnh hại, thời gian sinh trưởng trung bình 150 – 160 ngày, năng suất bình quân đạt từ 5,2 tấn đến 5,6 tấn/ha.
Tiến sĩ Vũ Quang Giảng, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc, chủ nhiệm đề tài: Từ nguồn giống ban đầu chúng tôi sản xuất vụ thứ nhất chọn ra 200 dòng để bắt đầu sản xuất vụ thứ 2, chúng tôi tiếp tục lựa chọn ra 1 số dòng đảm bảo điều kiện để đánh giá vụ thứ 3, vụ thứ 3 là vụ chúng tôi sản xuất giống siêu nguyên chủng và khi chọn ra được những dòng có tính đồng đều chúng tôi hợp dòng, từ đó sản xuất ra được giống siêu nguyên chủng và những giống này đều được kiểm định bởi Trung Tâm khảo, kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia.
Huyện Sông Mã hiện nay có trên 2.270 ha lúa, sản xuất 2 vụ/ năm. Việc nhân giống và phát triển thành công giống lúa địa phương I1 đã góp phần tạo ra các sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời mở ra hướng đi bền vững để nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.
Thực hiện: Mạnh Tiến
Nguồn: https://sonlatv.vn/phat-trien-giong-lua-dia-phuong-i1-song-ma-25173.html