Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn giúp nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã điểm tô thêm nhiều gam màu tươi sáng, tạo ra giá trị kinh tế cao, đưa nông nghiệp phát triển bền vững.
Cuối năm 2022, ông Nguyễn Thế Công, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, đến xã Ngọc Chiến, huyện Mường La tìm hiểu, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, cây trồng phù hợp. Tháng 1/2023, ông Công liên kết với 7 hộ thành lập HTX rau, hoa công nghệ cao Ngọc Chiến, vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng, đăng ký ngành sản xuất chính là trồng rau, đậu và hoa công nghệ cao.
Dẫn chúng tôi tham quan khu sản xuất của HTX, ông Nguyễn Thế Công giới thiệu: HTX có 3 ha nhà khung thép phủ màng nilon trồng cà chua, 3 ha ngoài trời trồng dưa chuột, toàn bộ diện tích canh tác được lắp hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Trồng rau ứng dụng công nghệ cao chủ động được độ ẩm, lượng phân bón, thời gian sinh trưởng ngắn, tăng sức đề kháng sâu bệnh; đặc biệt là không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong quá trình sản xuất, HTX tuân thủ nghiêm quy trình an toàn, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, đúng liều lượng, đúng loại thuốc với từng loại bệnh trên cây trồng. Với 3 ha trồng cà chua trái vụ, năng suất đạt 150 tấn/ha, giá bán trung bình 13.000-14.000 đồng/kg; 3 ha dưa chuột, năng suất 60 tấn/ha, giá bán trung bình 7.000-8.000 đồng/kg. Sau thời gian thu hoạch cà chua, dưa chuột, HTX trồng cây đậu tương để tự sản xuất phân bón hữu cơ.
Trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch gần 600 tấn rau, quả các loại, trừ chi phí thu gần 1 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương, thu nhập từ 5,5-10 triệu đồng/tháng. HTX đang mở rộng trồng thêm 2 ha hoa công nghệ cao trong nhà màng và 1 ha dưa chuột ngoài trời; liên kết cung ứng sản phẩm cà chua, dưa chuột cho thị trường thành phố Hà Nội.
Còn tại huyện Mai Sơn, từ 5 mô hình sản xuất hữu cơ do Nhà nước hỗ trợ năm 2019, đến nay, có 51 doanh nghiệp, HTX và hàng trăm hộ dân áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, với tổng diện tích 2.245 ha. Anh Nguyễn Đình Tuấn, thành viên HTX Đoàn Kết, xã Chiềng Mung, chia sẻ: Tôi đang trồng nho hạ đen theo hướng hữu cơ, sử dụng bạt phủ nông nghiệp giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại; sử dụng vỏ cà phê, lõi ngô và men sinh học ủ phân hữu cơ bón cho vườn nho, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến cà phê. Với hơn 1 ha đất trồng nho, gia đình thu về 700 triệu đồng/năm.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết:Từ năm 2020 đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ 89 doanh nghiệp, HTX triển khai 24 mô hình sản xuất xoài, nhãn, chanh leo, na, thanh long, cam, bưởi… với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; tuyên truyền, vận động sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hướng dẫn tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn để ủ phân vi sinh, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Sơn La đã có hơn 8.200 ha cây trồng được công nhận sản xuất hữu cơ và sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó, 187 ha cây trồng được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ; gần 400 ha cam, bưởi, lúa được chứng nhận chuyển đổi hữu cơ; cấp 216 mã số vùng trồng; xây dựng, duy trì 288 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn; xây dựng 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Yên Châu.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hữu cơ chuyên canh lớn, có giá trị kinh tế cao. Trong đó, hỗ trợ tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm quả xoài, cam, lê theo hướng hữu cơ với diện tích trên 400 ha. Đồng thời, triển khai 2 chuỗi giá trị mới, sản xuất theo hướng hữu cơ đối với na sầu riêng, mít Thái, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô liên huyện.
Quyết tâm cao, hướng đi đúng, bức tranh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đang ngày càng được thể hiện rõ nét. Cùng với xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hữu cơ, tỉnh ta đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường. Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất từng địa phương, phù hợp định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nong-nghiep-huu-co-tao-gia-tri-kinh-te-ben-vung-SW3qkYNNg.html