Huyện Phù Yên, hiện có hơn 190 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó có hơn 130 ha cây cam. Thời điểm từ tháng 10, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, những quả cam chuyển sang sắc vàng thì vụ thu hoạch cam đã đến; năm nay, người trồng cam trên địa bàn huyện phấn khởi hơn vì cam vừa được mùa, vừa được giá.
Trên những sườn đồi vườn cam của gia đình Đặng Văn Hiệu, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên trở nên đông vui và tất bật do tập trung toàn bộ nhân lực để thu hái cam. Với 3,2 ha, 1.300 gốc cây ăn quả chủ yếu là sản phẩm quýt ngọt, cam Vinh, cam đường giống mới, 100% diện tích vườn của gia đình đã có thương lái hợp đồng thu mua. Anh Hiệu dự kiến năm nay thu hoạch được khoảng 15 tấn quả, với giá bán cao hơn từ 3.000-5.000đ/kg so với năm ngoái, mang lại số tiền lãi cho gia đình ước khoảng 300 triệu đồng.
Anh Đặng Văn Hiệu, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La: “Năm nay gia đình tôi cũng như bà con ở đây rất phấn khởi vì cam được giá hơn mọi năm, để giữ vững thương hiệu cam Phù Yên này thì chúng tôi tuân thủ rất nghiêm nguyên tắc trong dùng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, để giữ quả cam ngon, tôi rất mong sản phẩm quả cam, quả quýt này thời gian tới sẽ được giá cao hơn nữa”.
Xã Mường Cơi hiện có 79 ha trồng cây ăn quả có múi, chiếm 41% diện tích trong toàn huyện, gồm: cam đường canh, cam vinh, quýt ngọt, bưởi da xanh, bưởi diễn được trồng vào những diện tích ngô, sắn trước đây. Hiện nay, sản phẩm quýt ngọt của HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao, các hộ gia đình trong xã đã thay đổi tư duy sản xuất, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo “sạch” từ vườn trồng đến tay người tiêu dùng; sản phẩm cam có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Anh Nguyễn Văn Sử, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La: “Năm nay do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, một số diện tích bị ngập lụt, do vậy sản lượng bà con ở đó giảm, sản phẩm cam được giá hơn mọi năm. Trong những năm tiếp theo chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng diện tích và giữ chất lượng sản phẩm như bây giờ và cố gắng nâng cao chất lượng hơn, hướng đến các thị trường khó tính hơn, hiện nay sản phẩm của hợp tác xã chúng tôi không đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh Sơn La, Phù Yên này chứ chưa nói đến các thành phố lớn”.
Trên những vạt nương, triền dốc, diện tích trồng cây ngô, cây sắn trước đây đã được thay thế bởi những vườn cam xum xuê trái ngọt; với hương vị đặc trưng, thương hiệu cam Phù Yên từ lâu đã được người tiêu dùng biết đến, là sản phẩm đặc trưng của huyện, luôn có uy tín trên thị trường; với đa dạng các hình thức quảng bá, cam Phù Yên ngày một vươn ra nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La: “Chúng tôi hàng năm đều duy trì diện tích này và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn. Hàng năm vào vụ cam chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các nhà vườn, hướng dẫn các nhà vườn bán hàng trên sàn thương mại như: sàn vỏ sò, tiki, hiện nay vừa rồi chúng tôi cũng tổ chức 2 đợt bán hàng, giúp các hộ bán hàng trên tiktok và giá trị cam Phù Yên ngày một nâng lên”.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nông nghiệp truyền thống sang trồng cây ăn quả có múi, một số vùng quê trên địa bàn huyện Phù Yên đã dần thay da đổi thịt, không ít hộ trở thành “triệu phú” nhờ cây cam, góp phần không nhỏ vào công tác phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo ở các địa phương; qua rà soát năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 12,6%, giảm 2,6% so với năm 2023./.
T/h: Lan Anh (Trung tâm TT-VH Phù Yên)
Nguồn: https://sonlatv.vn/nong-dan-phu-yen-phan-khoi-vi-cam-duoc-gia-24744.html