Sức khoẻ yếu, kinh tế của gia đình chủ yếu dựa vào ruộng nương và đi làm thuê làm mướn, nên nhiều năm trước vợ chồng chị Hà Thị Huệ, bản Nà Lò 2, xã Huy Hạ thuộc diện hộ cận nghèo trong bản. Nhờ được Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên hỗ trợ cho vay vốn 2 lần với tổng số tiền 90 triệu đồng chị đã đầu tư nuôi 8 con bò cái sinh sản, bò thịt, nuôi gà; mỗi năm, gia đình chị xuất bán được 3-4 con bò thịt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp gia đình trang trải cuộc sống; đến nay, vợ chồng chị Huệ đã có ngôi nhà kiên cố để ở và vươn lên thoát nghèo.
Chị Hà Thị Huệ, bản Nà Lò 2, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La: “Đợt trước tôi đã vay về để làm kinh tế, thì tôi đã trả được 40 triệu, còn đợt sau vay 50 triệu thì tôi đầu tư nuôi bò để trang trải cuộc sống, cải thiện kinh tế gia đình; với lãi suất của Ngân hàng CSXH thì tôi không áp lực lo về lãi suất lắm, với kinh tế gia đình cũng không quá áp lực lo về lãi suất; cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để tôi nhờ nguồn vốn này phát triển, kinh tế gia đình khấm khá hơn”.
Huyện Phù Yên hiện có hơn 29.000 hộ, hơn 133.900 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phù Yên là 15,4%, hộ cận nghèo là 9,1%. Để phấn đấu đạt được mục tiêu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm, cùng với việc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, huyện Phù Yên đã sử dụng hiệu quả hơn 686 tỷ đồng nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện với 16 chương trình vay vốn ưu đãi đến các hộ dân.
Ông Cầm Hải Đăng, GĐ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La: “PGD Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên đã tham mưu cho Ban đại diện, cấp uỷ chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước đến hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác; phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện công tác giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng; tham mưu cho Ban đại diện thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay; hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích; phát huy hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo an toàn nguồn vốn cho Nhà nước”.
Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên có tổng dư nợ đạt hơn 684,3 tỷ đồng, trên 13.000 hộ đang còn dư nợ. Trong đó, có gần 3.090 lượt khách hàng là hộ nghèo, hơn 1.020 lượt hộ cận nghèo, trên 1.000 hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế; hơn 4.340 hộ được vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hơn 2.150 lượt hộ vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; trên 1.750 lượt hộ được vay vốn giải quyết việc làm.
Ông Lò Văn Khoa, Bí thư, trưởng bản bản Nà Lò 2, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La: “Bản chúng tôi có 163 hộ, trong đó có 56 hộ được vay vốn NH CSXH với hơn 2,2 tỷ đồng, vay vốn qua 4 tổ chức Hội, một là Hội CCB, hai là phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân; bản chúng tôi thì do Đoàn thanh niên quản lý; qua đó chúng tôi đã được Đảng Nhà nước tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay, bây giờ có hộ cũng thoát được nghèo. Để phát triển kinh tế xã hội, những năm tiếp theo mong Ngân hàng CSXH sẽ tạo điều kiện hơn nữa để bản xoá đói giảm nghèo bền vững hơn”.
Qua công tác rà soát, năm 2024, huyện Phù Yên còn 3.667 hộ nghèo, chiếm 12,6%, giảm 2,6% so với năm 2023, hộ cận nghèo có 2.793 hộ chiếm 9,6%, tăng 0,54% so với năm 2023. Cùng với các nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng vai trò không nhỏ trong tạo “đòn bẩy” thúc đẩy công tác giảm nghèo vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo sinh kế và việc làm, thúc đẩy kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân./.
T/h: Lan Anh (Trung tâm TT-VH Phù Yên)
Nguồn: https://sonlatv.vn/nguon-von-tin-dung-chinh-sach-diem-tua-cua-nguoi-ngheo-25151.html