Nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh ta đang chú trọng nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng, tư duy, khai thác, sử dụng tốt công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng, các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, hằng năm, Sở lồng ghép tư vấn học nghề và việc làm với các hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Khảo sát nhu cầu học nghề của các địa phương làm cơ sở tổng hợp, đề xuất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đưa một số nội dung đào tạo nghề nông nghiệp vào kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp, sát với nhu cầu thực tiễn.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo 54.993 lao động thuộc các cấp trình độ, trong đó, hơn 30.285 lao động lĩnh vực nông nghiệp. Đào tạo nghề nông nghiệp đã gắn với phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới và vận dụng các kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, cải thiện chất lượng việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định. Người lao động sau đào tạo, học nghề được tỉnh tạo điều kiện vay vốn chính sách qua các tổ chức hội, đoàn thể, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh cho vay 990 tỷ 588 triệu đồng, với 17.070 dự án vay vốn, tạo việc làm cho 17.807 lao động.
Tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, nhiều năm nay, HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu là điểm sáng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng quả. Sau gần 6 năm thành lập, HTX hiện có 11 thành viên, trồng 50,5 ha trồng mận hậu, thu nhập từ 600-700 triệu đồng/ha.Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX, thông tin: Các thành viên HTX thường xuyên được tập huấn kỹ thuật cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng; phân vùng sản xuất mận khác nhau, như: mận VIP, quả size 10-12 quả/kg, 18-20 quả/kg; vùng mận chín sớm; vùng mận chín muộn; tuân thủ các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, sản xuất mận chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Năm 2018, sau khi được tham gia tập huấn, anh Thào A Su, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, đã chuyển đổi diện tích ngô, sắn sang trồng mận hậu, bưởi, ổi, măng bát độ. Đến nay, quy mô trang trại của gia đình anh đạt 5 ha, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Anh Su cho biết: Tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do huyện, tỉnh tổ chức và được thực hành sản xuất, tôi được nâng cao trình độ kỹ thuật áp dụng vào trồng cây ăn quả trên đất dốc, tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông sản địa phương.
Toàn tỉnh có khoảng 1,3 triệu người, lực lượng lao động chiếm 59% dân số. Trong đó, lao động làm việc trong các ngành nông, lâm và thủy sản chiếm 61,9%. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Lực lượng lao động dồi dào, nhưng thiếu lao động nông nghiệp có trình độ cao; công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hướng cung, chưa đáp ứng cầu. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đa số là đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng, tập huấn chuyển giao công nghệ, thiếu đào tạo nghề trình độ cao…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Các địa phương cần tăng cường truyền thông, tạo sự thay đổi nhận thức của người lao động về vai trò của nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao. Đẩy mạnh thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, phù hợp với năng lực, sở trường, tạo nguồn nhân lực trẻ tiếp cận những công nghệ mới, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục cho vay hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn, gắn với các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng điểm từng địa phương. Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án vay vốn, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, lao động nông thôn…
Ngành Nông nghiệp đang trên đà tăng trưởng, đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp theo hướng đảm bảo cả về lượng và chất là giải pháp quan trọng để nông nghiệp Sơn La phát triển nhanh và bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Yến
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-san-xuat-nong-nghiep-0T4U33eIg.html