Mận cơm hay còn gọi là mận tam hoa được trồng nhiều trên địa bàn thành phố Sơn La, với trên 1.000 ha, sản lượng gần 10.000 tấn/năm. Khi mận còn xanh có vị chua thanh, mận chín chuyển dần sang sắc đỏ đậm, vị ngọt và được người dân ví như quả “cherry”. Những ngày này, vườn mận các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Ngần đang được nông dân khẩn trương thu hái.
Những ngày này, gia đình anh Tòng Văn Ngoan, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, đang huy động người nhà thu hoạch mận tam hoa. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng mận tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu và áp dụng vào trồng, chăm sóc vườn mận của gia đình, nên năm nay, mận gia đình anh Ngoan cho trái to, ngọt thanh, cao điểm bán được giá 20.000-50.000 đồng/kg loại 1.
Anh Ngoan chia sẻ: Với hơn 1 ha trồng mận tam hoa, gia đình thu được 10 tấn quả, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ngoài bán hàng trưc tiếp cho các thương lái, gia đình kết hợp bán hàng trực tuyến qua các mạng xã hội: facebook, zalo… mọi giao dịch thực hiện trực tuyến rất nhanh chóng, hiệu quả.
Mùa mận “cherry” sớm hơn mận hậu 2 tháng, thời gian thu hoạch từ tháng 3 đến đầu tháng 5 hàng năm. Thời điểm này, trên tuyến đường vào xã Chiềng Cọ, bắt gặp rất nhiều điểm tập kết, thu gom mua mận. Gia đình chị Lò Thị Lý, bản Hôm, là cơ sở thu mua mận lớn nhất và lâu năm nhất của xã Chiềng Cọ, đang có nhiều lao động đang tất bật phân loại mận, cẩn thận đóng gói để kịp chuyển giao cho khách hàng.
Chị Lý chia sẻ: Năm nay, nhờ sử dụng hiệu quả mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, mận “cherry” Sơn La đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng trên cả nước, nên việc tiêu thụ mận diễn ra thuận lợi hơn. Hiện nay, gia đình tôi thu mua với giá từ 5.000 đến 20.000 đồng/kg tùy từng loại quả. Vào đầu vụ, khi mận còn xanh, tôi vận chuyển, cung cấp mận vào tận thành phố Hồ Chí Minh. Hiện giờ, mận đã chín, gia đình chủ yếu cung cấp cho thương lái là các đầu mối tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Trung bình thu mua 2-3 tấn mận/ngày; gia đình đã đưa mận đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối hơn 100 tấn.
Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Toàn xã có hơn 780 ha mận các loại, trong đó, mận cơm khoảng 330 ha. Năm nay, mặc dù nắng hạn khiến quả mận có kích thước nhỏ hơn mọi năm, nhưng sản lượng lại cao hơn so với những năm trước và được nhiều thương lái từ các tỉnh thành lân cận thu mua. Nhiều hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như cắt tỉa cành, tạo tán và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, chất lượng quả mận nâng cao, giá bán cũng cao hơn, đem lại thu nhập đáng kể cho bà con.
Còn tại xã Chiềng Đen, có trên 800 ha mận, trong đó trên 500 ha mận cơm, sản lượng khoảng 5.000 tấn. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 20 điểm thu mua mận của các hộ dân liên kết với các thương lái trong và ngoài tỉnh, đảm bảo tiêu thụ mận cho bà con.
Chuyên thu mua nông sản ở địa phương, ông Lò Văn Chướng, bản Đen, cho biết: Mỗi ngày gia đình tôi thu mua 1-2 tấn quả mận tam hoa và vận chuyển đi bán tại các chợ đầu mối của các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… là những bạn hàng đã liên kết tiêu thụ nhiều năm nay. Ngoài ra, tôi giới thiệu sản phẩm mận mơ Sơn La trên các trang mạng xã hội miền Nam, miền Bắc nên tiêu thụ nhanh hơn các vụ trước.
Thời điểm này, đang là dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, nhiều vườn mận còn mở cửa đón du khách đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm hái mận trực tiếp tại vườn. Em Bùi Thị Kiều, quê ở Điện Biên, đang là sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: Lần đầu tiên em được trải nghiệm hái mận cơm, cảm thấy rất thích thú, nhìn những chùm quả mận sai trĩu, chín đỏ rất thu hút. Em đã quay và chụp rất nhiều ảnh đẹp cùng trái mận, để giới thiệu cho người thân, bạn bè đến thăm Sơn La và cùng trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên.
“Mận cherry” thành phố Sơn La đang dần chinh phục du khách thập phương, khẳng định là một trong những sản vật tiêu biểu của Sơn La, mang lại thu nhập cho nông dân. Đến với thành phố Sơn La vào mùa mận chín, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội được đắm chìm trong không gian trong lành, tận hưởng hương vị của trái cây tươi ngon, an toàn và trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Sơn La.
Phan Trang