Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đang phát huy vai trò quan trọng, việc khơi thông dòng vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Bám sát Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sơn La ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) và đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể phối hợp thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn khách hàng về thủ tục cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện 26 chương trình làm việc, đối thoại, kết nối các tổ chức tín dụng với gần 400 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vay vốn. Đồng thời, các TCTD trên địa bàn lồng ghép với các chính sách khác của Chính phủ, của tỉnh, như: Hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; phát triển nông, lâm, thủy sản, nông nghiệp sạch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… với lãi suất ưu đãi theo quy định, đảm bảo đạt hiệu quả.
Từ năm 2015 đến nay, các TCTD thực hiện trên 10 lần điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam cho các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với các khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được giảm sâu từ 7%/năm (năm 2015) xuống là 4%/năm (năm 2023) và thấp hơn lãi suất cho vay thông thường khoảng 3-5%/năm.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sơn La, 8 năm qua, phục vụ trên 33.000 khách hàng với dư nợ gần 11.500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Agribank Sơn La, cho biết: Các chi nhánh trong tỉnh đã thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng tín dụng, hỗ trợ tối đa nguồn lực cho người dân khu vực nông thôn. Kịp thời bổ sung hạn mức tín dụng đến khách hàng, phục vụ nhu cầu đời sống, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, cho vay mới.
Năm 2017, anh Lường Văn Mười, ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười. HTX được Agribank Chi nhánh huyện Sông Mã cho vay vốn 400 triệu đồng đầu tư phát triển trồng nhãn và chăn nuôi trâu, bò. Đến năm 2022, tiếp tục vay 1 tỷ đồng, ghép cải tạo 4 ha nhãn ánh vàng; lắp hệ thống tưới nhỏ giọt 7 ha nhãn; mở cửa hàng cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Anh Mười cho biết: Hiện nay, doanh thu của HTX đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Đạt được kết quả đó, HTX luôn được ưu tiên vay nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp. HTX đang tiếp tục làm thủ tục vay thêm 3 tỷ đồng đầu tư thu mua nông sản, mở rộng cơ sở làm long nhãn.
Giai đoạn 2016-2023, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 34.113 tỷ đồng, tăng 23.057 tỷ đồng, tương đương tăng 2,09 lần so với đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 15,12%. Dư nợ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2023 tăng trưởng tốt. Đến hết năm 2023, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 22.186 tỷ đồng, tăng 10.080 tỷ đồng so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,87%.
Sử dụng nguồn lực cho vay hiệu quả
Với nguồn lực tài chính thực hiện chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là nguồn vốn huy động trên địa bàn, nên các TCTD chủ động sử dụng nguồn lực cho vay hiệu quả, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, HTX có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đã chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển cây ăn quả, nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu hình thành các vùng chuyên canh, tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, thu hút được các nhà đầu tư vào sản xuất, chế biến. Toàn tỉnh, có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản; 280 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 28 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận bảo hộ; có 154 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao; 56 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao; đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản: cà phê, chè, xoài, nhãn, chanh leo… sang thị trường 12 nước, có một số thị trường khó tính như Úc, Pháp, Mỹ, Nhật…
Ông Lê Cao Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sơn La, cho biết: Việc thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP tại tỉnh Sơn La còn những khó khăn, vướng mắc, như: Khách hàng có nhu cầu vay nhiều vốn nhưng không có tài sản đảm bảo hoặc nếu có, giá trị ở mức thấp, tài sản không đủ điều kiện thế chấp; số lượng khách hàng và dư nợ tín dụng cho vay đối với kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã còn chiếm tỷ trọng thấp, dưới 2%…
Điều ghi nhận, triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP trong 8 năm qua đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Sơn La, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm cho cơ cấu nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 34,44% năm 2015, xuống 14,17% năm 2023.
Bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh về tập trung nguồn vốn cho vay doanh nghiệp, HTX, cá nhân trên địa bàn nông thôn, đầu tư các chương trình kinh tế trọng điểm… ngành Ngân hàng tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với địa phương và chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước; các sở, ngành chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện chính sách, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh việc huy động vốn trong nền kinh tế, tạo thêm nguồn lực, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn Sơn La bền vững.
Quỳnh Ngọc
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/khoi-thong-dong-von-tin-dung-vao-khu-vuc-nong-nghiep-nong-thon-bh23WHzHg.html