Mưa lớn của hoàn lưu cơn bão số 2 và 3, đã làm hàng nghìn héc ta lúa trên địa bàn tỉnh Sơn La bị ngập úng, vùi lấp, hư hại nặng nề. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã chỉ đạo và đôn đốc bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.
Xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, gieo cấy hơn 60ha lúa mùa. Từ cuối tháng 7 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 5 lần ngập úng, gần 40ha lúa bị vùi lấp và hư hỏng. Ông Lò Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã chỉ đạo các bản khẩn trương vệ sinh đồng ruộng; cấp, phát gần 1 tấn thóc giống và hơn 5 tạ phân bón thúc cho gần 300 hộ dân bản Hình, bản Cọ và bản Sen To khôi phục sản xuất. Đối với diện tích bị ngập úng, hướng dẫn các hộ chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp. Đến nay, khoảng 30 ha lúa mùa của xã đã được khôi phục, phát triển tốt.
Trên cánh đồng bản Cọ, xã Tông Cọ, thành phố, bà con đang tập trung làm cỏ cho lúa. Bà Lường Thị Yên cho biết: Hơn 1.000m2 lúa của gia đình đã bị vùi lấp trong đợt mưa lũ tháng 7. Được địa phương hỗ trợ thóc giống, gia đình đã làm lại đất để gieo sạ lại toàn bộ diện tích. Hiện tại, gia đình đang tập trung chăm sóc, tăng cường dinh dưỡng cho lúa, với hy vọng cây lúa phát triển tốt, không bị mất mùa.
Còn tại bản Phé, bản bị ảnh hưởng nặng nhất của xã Tông Cọ, với hơn 5ha lúa của bản đã không thể khôi phục sau 5 lần ngập úng liên tiếp từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9. Đang trồng dăm cây cỏ voi trên thửa ruộng của gia đình, ông Lường Văn Đoàn cho biết: Thửa ruộng 550m2 của gia đình do nằm ở khu vực trũng thấp nên bị ngập úng và vùi lấp hoàn toàn. Đến cuối tuần trước nước vừa mới rút hoàn toàn, nên không kịp khung thời vụ trồng lúa, gia đình đành phải chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn cũng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong các đợt mưa lũ vừa qua với trên 55ha lúa tại các bản Hịa, Nậm Bông, Nà Cà, Lọng Nặm, Nong Ten bị ngập úng, cuốn trôi, vùi lấp hoàn toàn. Ông Lò Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Đối với các diện tích lúa có thể khắc phục được, xã đã chỉ đạo các hộ dân thường xuyên thăm đồng, túc trực vớt rác, khơi thông mương dẫn nước, cửa cống để tiêu thoát nước để lúa được khôi phục. Còn đối với diện tích không thể khôi phục chỉ đạo bà con chuyển sang trồng rau màu hoặc cây trồng khác phù hợp.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, sau những đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2 và số 3, toàn tỉnh có gần 2.000ha lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng. Ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Chi cục đã làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố xác định vùng sản xuất có nguy cơ bị ngập úng, huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy, tôn cao bờ vùng, bờ thửa đảm bảo tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập úng; chuẩn bị sẵn sàng mọi phương tiện để bảo vệ diện tích lúa mùa. Đối với diện tích lúa đã chín, khẩn trương thu hoạch nhanh, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Còn đối với diện tích lúa bị ngập, tiến hành tháo nước trong ruộng ra càng sớm càng tốt, nước rút đến đâu vệ sinh bùn, rác trên ruộng ngay đến đó, khi té rửa, vệ sinh tránh làm gãy, dập thân, lá lúa, tạo điều kiện để cây lúa phục hồi…
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tăng cường cán bộ giám sát, kiểm tra đồng ruộng, điều tra phát hiện dịch hại, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng trừ, nhất là bệnh thối thân phát sinh gây hại trên lúa.
Dự báo thời gian tới, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, có thể xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương và người dân nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó bảo vệ diện tích lúa và cây trồng.
Nguyễn Yến – Phan Trang
Nguồn: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/khoi-phuc-san-xuat-lua-mua-sau-mua-lu-5Jk5bMRNR.html