HTX ở Sơn La mong muốn có thêm cơ chế về nguồn vốn phát triển
HTX Thành Cường, bản Mòn, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) được thành lập năm 2018, với 14 thành viên, sản xuất 12 ha dâu tây, cây ăn quả và gần 40 ha rau màu. Năm 2022, HTX Thành Cường được công nhận là một trong 235 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh Sơn La.
Ông Lèo Văn Lếch, Giám đốc HTX Thành Cường, cho biết: Năm 2020 và 2021, HTX được hỗ trợ 120 triệu đồng để đánh giá, cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhận diện thương hiệu và bao bì nhãn mác. Nhờ đó, HTX đã có 5 ha dâu tây và cây ăn quả khác được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, HTX đã cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng.
Cũng theo Giám đốc HTX Thành Cường, mặc dù trong những năm qua HTX được hỗ trợ về vốn để đầu tư phát triển và đã có những thành công nhất định, tuy nhiên thị trường ngày càng khó tính, đòi hỏi các HTX phải thực sự tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có như vậy mới các sản phẩm của HTX mới được thị trường đón nhận. Bên cạnh đó, các HTX, doanh nghiệp, các hộ nông dân cần liên kết với nhau để xây dựng, hình thành các vùng sản xuất rộng, đảm bảo cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Gửi tâm tư, kiến nghị đến Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2024 sắp diễn ra, anh Lếch chia sẻ: Hiện nay HTX sản xuất còn rất nhỏ lẻ và manh mún, chúng tôi mong muốn Nhà nước có thêm cơ chế hỗ trợ các HTX nguồn vốn đủ lớn để HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó các cấp các ngành cần định hướng cho HTX, doanh nghiệp, người dân liên kết, tập trung, hình thành vùng sản xuất. Có như vậy các đơn vị sẽ vưa hỗ trợ nhau về kỹ thuật cánh tác vừa kết nối tiêu thụ và việc canh tác nông nghiệp mới thực sự hiệu quả, đem lại thu nhập cho nông dân.
HTX ở Sơn La mong muốn được nâng cao kiến thức, áp dụng triệt để tiến bộ khoa học vào canh tác
Còn đối với HTX Xuân Tiến, xã Sặp Vạt (Yên Châu, Sơn La) hiện có 60 ha xoài tròn, 100% diện tích nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý. Từ khi đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu”, sản phẩm xoài tròn tạo thương hiệu riêng và nâng tầm giá trị, nhờ đó giá bán cao hơn trước và được thị trường ưa chuộng.
Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX Xuân Tiến, xã Sặp Vạt (Yên Châu, Sơn La) cho biết: Mở rộng sản xuất, HTX đã thử nghiệm sản xuất thành công sản phẩm “Xoài sấy dẻo” từ quả xoài tròn, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, quả tươi và sản phẩm xoài sấy dẻo được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh và điểm du lịch trong cả nước, doanh thu hàng năm tăng từ 25-30%.
Tuy nhiên, theo ông Xuân, mặc dù xoài tròn Yên Châu đã có thương hiệu nhưng giống xoài này là xoài bản địa, chỉ phù hợp với chất đất, khí hậu ở Sơn La, việc mở rộng vùng sản xuất là rất khó. Giống xoài có thể trồng được ở nơi khác, nhưng khó có thể có được hương vị đặc trưng như ở vùng đất Yên Châu. Bên cạnh đó, vì là canh tác nhiều năm, dẫn đến cây bị thoái hoá, năng suất, chất lượng ngày càng giảm.
HTX mong muốn các cấp, các ngành sẽ có những lớp đào tạo, lớp tập huấn chuyên sâu về loại cây trồng này, để các thành viên HTX, người dân canh tác giống cây bản địa này nắm bắt được các kỹ thuật canh tác, từ đó tạo ra sản phẩm xoài vừa nâng cao năng suất, mà vẫn dữ được hương vị đặc trưng của giống xoài này; đặc biệt là có thể lai tạo, lai ghép giống xoài này phù hợp với nhiều vùng đất khác để mở rộng sản xuất.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này, tôi mong muốn sẽ có dự án nghiên túc, nghiên cứu về giống cây xoài bản địa này, từ đó sẽ có những phương án hỗ trợ nông dân cách trồng chăm sóc giống cây này sao cho hiệu quả, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La cho biết: Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có trên 1000 HTX, 06 Liên hiệp HTX, trong đó có 935 HTX đang hoạt động, 9 tháng đầu năm 2024 thành lập mới 52 HTX.
Những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã; Tư vấn thành lập mới HTX, phát triển thành viên, đối thoại chính sách phát triển HTX. Tham mưu, tham gia, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các HTX theo các chương trình, dự án. Đặc biệt theo các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy vậy, thời gian tới, để kinh tế tập thể thực sự đem lại thu nhập tốt hơn cho các thành viên HTX, các cấp các ngành cần có thêm nhiều hơn nữa các chế độ chính sách về vốn, hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học, nhà máy chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các dự án có tầm, có như vậy kinh tế tập thể mới thực sự đem lại hiệu quả.