Gia đình ông Vũ Văn Lũy, tiểu khu 12, xã Tân Lập đã chuyển đổi 2 ha trồng cây lương thực, cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng cây cam đường canh. Từ trồng thử nghiệm 200 cây cam đường canh ban đầu, sau một năm chăm sóc thấy cam phát triển tốt, ít sâu bệnh, có triển vọng, nên ông Lũy quyết định mở rộng trồng thêm nhiều gốc cam. Đến nay, gia đình ông có vườn cam với trên 1.000 gốc, trong đó có 500 gốc đã cho thu hoạch.
Ông Vũ Văn Lũy, Tiểu khu 12, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: Cây cam đường canh này so với các cây khác thì nó hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên chăm sóc về kĩ thuật phải yêu theo đúng quy trình, chăm bón loại phân chuồng, phân hữu cơ hay là thuốc bảo vệ thực vật phải theo định kỳ thì cây cam nó mới phát triển. Ở gia đình tôi, cây cam mà năm thu hoạch năm thứ 4, thứ 5 như năm ngoái là nó rơi vào tầm khoảng từ 2 triệu đến 2,7 triệu/cây. Giá như năm ngoái chúng tôi bán lúc đầu mùa là 50-52 nghìn/kg. Từ đó, cuộc sống của chúng tôi cũng thay đổi khá rõ rệt.
Cũng như các gia đình khác ở tiểu khu 12, năm 2017 sau khi tìm hiểu và nhận thấy cây cam đường canh khá phù hợp với khí hậu địa phương. Anh Vũ Văn Dũng cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng Cam đường canh. Để vườn cam cho năng suất, chất lượng cao, anh Dũng đã học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng cam lâu năm để áp dụng vào vườn của mình. Từ khâu chăm sóc, chọn giống cho đến thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh…
Anh Vũ Văn Dũng, Tiểu khu 12, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: Mới bắt đầu trồng cây cam này thì tôi cũng chưa có biết được nhiều về kỹ thuật, chưa biết cách chăm sóc nên quả nó sẽ không được đẹp. Tôi phải đi hỏi các đại lý thuốc bảo vệ thực vật từ cách cách phun thuốc cũng như là mình học hỏi thêm một chút là ở trên các kênh YouTube ở dưới Cao Phong hay dưới Bắc Giang là họ đã trồng cam lâu lắm rồi để mình học hỏi thêm để biết được kỹ thuật về trồng. Cây Cam Đường này ở trên này thì tôi thấy có lợi thế hơn các nơi khác vì hợp khí hậu nên chín sớm hơn, giá sẽ được cao hơn.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, xã Tân Lập đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng phù hợp để phát triển, trong đó chú trọng các loại cây ăn quả có múi chất lượng cao, như: Cam, bưởi cùng một số loại cây khác, như: Chanh leo, bơ, mận, nhãn… Hiện nay toàn xã có trên 57 ha trồng cam đường canh.
Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: Với diện tích trồng cây cam đường canh tương đối lớn như vậy. Thời gian qua UBND xã đã chỉ đạo cán bộ phụ trách xuống các thôn bản tuyên truyền vận động bà con nhân dân để mà chăm sóc. Đến nay, trên địa bàn xã đã có những hộ thu nhập từ 600- 800 triệu đồng/ ha trồng cam đường canh. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động bà con nhân dân để tăng số diện tích trồng cây cam tăng lên khoảng 80- 100ha vào các năm tiếp theo.
Cây cam đường canh đã chứng minh hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng truyền thống ở xã Tân Lập. Thành công của các gia đình trồng cam đường canh trong xã không chỉ khẳng định loại cây này đang là sự lựa chọn đúng đắn giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, mà còn góp phần hiện thực hóa chủ chương của địa phương biến những diện tích đất trống, đồi núi trọc thành những vùng đất trù phú, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân./.
T/h: Nguyễn Vân (Trung tâm TT-VH huyện Mộc Châu)
Nguồn: https://sonlatv.vn/hieu-qua-tu-trong-cam-duong-canh-23463.html