Huyện Sông Mã được biết đến như thủ phủ nhãn của tỉnh Sơn La. Với diện tích lớn, nguồn cung luôn vượt cầu, sản phẩm nhãn từng có thời điểm bị ép giá, thậm chí khi vào chính vụ phải bán tống, bán tháo, đây là câu chuyện của những năm trước đây, người trồng nhãn thường xuyên gặp phải. Trăn trở với điệp khúc “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã là người đi đầu trong thay đổi tư duy sản xuất, tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ để trồng nhãn chín sớm, điều này đã mở ra hướng đi mới giải quyết được nỗi lo tiêu thụ nông sản vào chính vụ cho người dân ở địa phương.
Gắn bó với nông nghiệp từ những ngày thơ ấu, anh Lường Văn Mười hiểu rõ những khó khăn, vất vả của những người làm nông nghiệp. Trải qua nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây nhãn đã bén duyên và trở thành cây trồng chủ lực của gia đình anh Mười gần một thập kỷ qua. Nhưng khi gia đinh anh càng mở rộng thêm diện tích, thì thu nhập lại càng giảm.
Nhận thấy việc trồng nhãn miền không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, anh Mười đã vận động thành viên HTX trồng thử nghiệm giống nhãn chín sớm T6. Tuy nhiên, khó thay đổi tư duy sản xuất của thành viên HTX, khi phương thức sản xuất truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức, mặc cho giá bán luôn ở trong tình trạng bấp bênh.
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La: “Để chuyển từ giống nhãn này sang nhãn khác, khi giống nhãn Miền thiết đang cho thu nhập. Riêng chúng tôi nhìn thấy giống nhãn T6 hiện tại và tương lai phát triển kinh tế cao hơn. Chúng tôi mất quá trình thời gian cho các thành viên, thậm chí là cầm tay chỉ việc mỗi một hộ làm một mô hình nhỏ trước để biết được giá trị kinh tế của nó”.
Khó khăn có, thất bại có, nhưng anh Mười vẫn kiên trì với lựa chọn của mình, không ngừng học hỏi kinh nghiệm cách chăm sóc nhãn chín sớm của các nhà vườn từ Nam ra Bắc, tìm tòi nắm bắt được kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Đến khi làm chủ khoa học kỹ thuật anh lại tiến hành cầm tay chỉ việc, hỗ trợ các thành viên HTX chuyển đổi hàng chục ha nhãn Miền sang nhãn chín sớm T6.
Anh Lò Văn Châm, Thành viên HTX Hoa Mười, Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La: “Trước đây chăm sóc nhãn chín sớm này, khó khăn thứ nhất là cách chăm sóc, xử lý ra hoa đậu quả gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được giám đốc, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật đến năm 2020 anh em trong HTX và bản thân tôi đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Nhãn T6 này ra hoa đậu quả đến nay chúng tôi đã thuần thục cách xử lý và có thể làm cho cây nhãn ra trái vụ theo mong muốn và thời điểm”.
Nhãn chín sớm cho thu hoạch vào tháng 5-6 hàng năm với giá bán mỗi kg dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. Tức là gấp 2-3 lần so giá bán nhãn chính vụ, điều này không chỉ góp phần giúp thành viên HTX thu lợi hàng trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Mà còn là tiền đề để người trồng nhãn học hỏi và làm theo. Đến nay, ngày mùa đã nhàn hơn rất nhiều với những người nông dân ở Chiềng Khoong, không còn nỗi lo cạnh tranh, không còn nỗi lo ép giá, sản phẩm quả hái đến đâu thương lái thu mua đến đó.
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La: “Đúng nói chuyện nông dân, mắt thấy, tay sờ, được những cái mô hình chúng tôi làm, tư vấn cho bà con chúng tôi thấy hiệu quả kinh tế, vừa là giá cả đưa ra thị trường tiêu thụ dễ hơn. Đến bây giờ bà con ai cũng áp dụng vào sản xuất nhiều hơn”.
Điều đặc biệt là nhãn chín sớm của HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười còn được xuất khẩu sang thị trường EU, đây là sự khẳng định cho chất lượng của sự cải tiến. Với những cố gắng nỗ lực trên mà tháng 10 vừa qua, anh Lường Văn Mười được vinh danh là một trong 63 nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2024.
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La: “Là nông dân xuất sắc của 63 tỉnh thành, tôi từ sản xuất nông nghiệp chia sẻ và nhân rộng ra bà con tin tưởng tôi. Đây như một cái khích lệ tinh thần tôi để tôi có động lực phát triển sau này để tôi cố gắng học hỏi, tiếp cận các khoa học kỹ thuật, đưa vào sản xuất cũng như quảng bá sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm cho bà con”.
Hành trình của anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã là minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự đổi mới tư duy, sự kiên trì và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thay đổi cuộc sống của gia đình, HTX của mình mà anh Mười còn truyền cảm hứng cho nhiều nông dân khác học hỏi và làm theo, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp của huyện Sông Mã nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung./.
Thực hiện: Đình Đức
Nguồn: https://sonlatv.vn/hanh-trinh-thay-doi-tu-duy-san-xuat-tro-thanh-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-25373.html