Đã hơn ba tháng trôi qua kể từ sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 và số 3, nhưng hàng chục hộ dân bản Nam Giáng, thuộc xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, vẫn phải sống trong cảnh ngập úng. Cuộc sống, sinh hoạt ban ngày đã khó nhưng về đêm lại thêm khó khăn bội phần.
Sau hơn 3 tháng chờ đợi, nước lũ trong nhà ông Hoa đã rút cách nền nhà còn 30 cm. Tranh thủ nước rút, gia đình ông kê lại đồ đạc, tìm kiếm lại những vật dụng còn sót lại. Sau nhiều năm tích góp, cuối năm 2023 gia đình ông Hoa mới xây dựng được ngôi nhà kiên cố, việc chuyển nhà đi nơi khác là điều không thể đối với gia đình trong giai đoạn này. Vì vậy, tranh thủ nước chưa rút hẳn vào mỗi buổi tối ông sục rửa bùn đất để tiện cho việc lau dọn nhà sau này.
Ông Lù Văn Hoa, Bản Nam Giáng, xã Chiềng Đen, Thành phố Sơn La: Từ trước đến giờ nó ngập thì chỉ ngập bên dưới thôi. Năm nay nó mới lên, mình không ngờ được. Mình làm nhà trước có bao giờ ngập lên đến đây đâu. Mình cũng tôn nhà lên 1 mét rồi.
Màn đêm buông xuống, anh Hải tranh thủ quay lại ngôi nhà cũ để tiếp tục công việc nhặt nhạnh tài sản còn sót lại. Nhà bị ngập sâu trong nước một thời gian dài nên những hộ gia đình có nhà sàn như gia đình anh Hải bắt buộc phải tháo dỡ, di chuyển tới nơi khô ráo, bởi nếu ngâm trong nước lâu gỗ sẽ mục, nát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi sinh sống lâu dài.
Anh Lù Văn Hải, bản Nam Giáng xã Chiềng Đen, Thành phố Sơn La: Hộ gia đình tôi cũng như các hộ lân cận cũng gặp nhiều khó khăn về đường đi, vận chuyển hàng hóa. Nước rút 1-2 mét gà, lợn lại bị dịch.
Mặc dù nhà bị ngập sâu nhưng do không có điều kiện di chuyển đến nơi ở khác nên cả gia đình chị Thuận vẫn sinh sống trên căn nhà sàn. Khó khăn lớn nhất đối với gia đình chị có lẽ là nước sinh hoạt.
Chị Lò Thị Thuận, Nam Giáng xã Chiềng Đen, Thành phố Sơn La: Nước thì đầy ở nhà nhưng không có nước sinh hoạt. Tằm rửa, ăn uống hằng ngày thì đi xin hàng xóm chỗ không ngập, đi lại cũng rất vất vả…
Từ khi nhà bị ngập nước đến nay, chiếc bè tre này là phương tiện di chuyển chính của ông Tới cũng như những hộ bị cô lập, tuy nhiên việc đi lại rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đặc biệt là buổi tối.
Ông Quàng Văn Tới, bản Nam Giáng xã Chiềng Đen, Thành phố Sơn La: Đi đặc biệt là ban đêm rất là nguy hiểm, trẻ con không dám cho đi theo. Người lớn có việc cần quá mới phải đi. Ban ngày có các cháu đi học bằng bè thì phải buộc ôm lại để đi, không rất nguy hiểm, cái phương tiện này không đảm bảo.
Sau 2 cơn bão, trên địa bàn xã Chiềng Đen có gần 100 ngôi nhà bị ngập úng nghiêm trọng. Nhiều hoạt động chăn nuôi trồng trọt của người dân bị ngưng trệ do nước chưa rút hết.
Ông Cà Văn Long, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La: “Để đảm bảo an sinh cuộc sống cho người dân thì việc trước mắt là chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền. Các nội dung di dời khẩn cấp cũng như các nhà không đảm bảo an toàn cũng như các chính sách của tỉnh, của thành phố thì chúng tôi đã lập hồ sơ kiến nghị các cấp có thẩm quyền thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân này về ở nơi an toàn hơn, cao hơn.”
Sau khi nước ngập, các cấp các ngành của tỉnh nhiều lần kiểm tra, tìm phương án khơi thông dòng chảy tuy nhiên các biện pháp tiêu thoát nước vẫn không khả thi. Người dân bản Nam Giáng sẽ còn phải đối diện với những khó khăn trong những ngày tháng tới./.
Thực hiện: An Hảo
Nguồn: https://sonlatv.vn/hang-chuc-nha-dan-ban-nam-giang-van-chim-sau-trong-nuoc-lu-24807.html