Thảo luận tại Tổ 11 (gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Sơn La) về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, dự luật lần này đã sửa đổi khá toàn diện, tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn”, vướng mắc trong phân cấp, phân quyền cho địa phương; cắt giảm thủ tục đầu tư trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đa số các đại biểu đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án. Chính sách này đã tác động tích cực, tạo sự linh hoạt cho cấp quyết định chủ trương đầu tư trong lựa chọn hình thức giải phóng mặt bằng theo một dự án riêng hoặc thực hiện cùng với dự án tổng thể, phù hợp với yêu cầu triển khai dự án.
Góp ý về phân cấp, phân quyền trong việc quyết định chủ trương đầu tư, tạo sự linh hoạt và chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và thực hiện các dự án đầu tư công. Đại biểu Vi Đức Thọ, Đoàn đại biểu QH tỉnh Sơn La cho rằng.
Đại biểu Vi Đức Thọ – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La: “Hiện nay đang thực hiện NQ 106 năm 2023 của QH về thí điểm đường bộ đi qua địa bàn, ví dụ Sơn La – Hòa Bình, dự án đi qua Mộc Châu địa phận nào tỉnh đấy làm…khi thực hiện nhiều vướng cơ quan chức năng đã đề xuất…đến thời điểm này là rất hợp lý”.
Góp ý về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính các cấp trở lên (Điều 30, 31, 32), ĐB Hoàng Thị Đôi, Đoàn đại biểu QH tỉnh Sơn La cho rằng, để thống nhất phương án giao 1 UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, cần dựa trên một nguyên tắc nhất quán, có tiêu chí rõ ràng để tránh xảy ra việc không thống nhất được giữa các đơn vị hành chính trong việc lựa chọn cơ quan chủ quản.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La: “Khi dự án triển khai trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính trở lên, việc không thống nhất được cơ quan chủ quản có thể gây chậm trễ trong quyết định chủ trương đầu tư, việc bổ sung nguyên tắc với các tiêu chí rõ ràng sẽ giúp các bên liên quan dễ dàng đạt được sự đồng thuận và giảm bớt xung đột. Bên cạnh đó, khi nguyên tắc xác định cơ quan chủ quản được quy định rõ ràng, các đơn vị hành chính có thể áp dụng ngay mà không cần thông qua nhiều bước thảo luận hoặc xin ý kiến cấp trên, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị và phê duyệt dự án”.
Về phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, các ĐBQH cho rằng, đây là sự thay đổi lớn. Bên cạnh đó, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, nên Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền.
Thực hiện: Bích Liên – Quang Sỹ
Nguồn: https://sonlatv.vn/go-diem-nghen-thuc-day-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-24115.html