Những năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giữ màu xanh cho những cánh rừng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nằm trên đỉnh Sam Síp, thuộc bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến, quản lý 18.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong đó có 14.000ha diện tích đất có rừng nằm trên địa bàn 3 xã Ngọc Chiến, Nặm Păm và Hua Trai. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, hệ thực vật đã thống kê được 622 loài, thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm. Đặc biệt một số loài có giá trị bảo tồn cao như Pơ mu, Du sam, Thông đỏ, Lan kim tuyến…
Hệ động vật thống kê được 323 loài, thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Đặc biệt có loài niệc cổ hung, vượn đen tuyền rất quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. Riêng loài vượn đen tuyền chỉ còn gần 100 cá thể tại Việt Nam và đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, cho biết: Ban quản lý đã chỉ đạo 3 tổ tuần rừng thuộc Tổ chức bảo tồn động động vật hoang dã quốc tế FFI cùng viên chức Khu bảo tồn thường xuyên 10 ngày/tháng tổ chức tuần tra rừng, giám sát đa dạng sinh học, nghiên cứu các loài động thực vật hoang dã. Qua đó, đã ghi nhận hoạt động của loài vượn đen tuyền tại 5 khu vực Hua Kẻ, Hua Khoa, Hua Sâng, Huổi Lát, đỉnh Tà Xùa và một số loài động vật quý hiếm như: Gấu, sơn dương, hoẵng, vọc, khỉ,….
Từ đầu năm đến nay, cán bộ Ban quản lý và 3 tổ tuần rừng FFI (tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế) thực hiện tuần tra rừng, theo dõi đặc tính của loài vượn đen tuyền. Qua tuần tra, thu được 14 cái bẫy nhỏ, vận động một số đối tượng có hành vi bẫy bắt chim, mót gỗ và lâm sản ngoài gỗ ra khỏi rừng. Ngoài ra, phối hợp với tổ chức FFI Việt Nam tuyên truyền công tác bảo vệ sinh cảnh sống của loài vượn đen tuyền cho cộng đồng dân cư thuộc Khu bảo tồn; hỗ trợ 180 bếp tiết kiệm củi cho nhân dân xã Ngọc Chiến; xây dựng mô hình cà chua với diện tích 1,6ha cho 11 hộ dân bản Phày; mô hình trồng nếp tan cho 5 hộ với tổng diện tích 5.000m2 thuộc xã Ngọc Chiến. Qua đó, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương, giảm áp lực vào rừng, gắn quyền lợi với ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng địa phương với rừng.
Ban quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị chức năng, cấp uỷ và chính quyền nhân dân các xã trên địa bàn thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng thông qua các cuộc họp, hội nghị ở xã, bản, loa phát thanh, tờ rơi. Phân công trực cháy 24/24 giờ, đặc biệt trong thời gian khô hanh, nắng nóng kéo dài. Chỉ đạo viên chức phụ trách địa bàn tăng cường phối hợp với kiểm lâm viên phụ trách địa bàn huyện, cấp uỷ, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Đồng thời, làm tốt công tác trồng rừng, từ đầu năm đến nay, tổ chức trồng mới 72 ha rừng, hoàn thành việc trồng rừng bổ sung theo hồ sơ thiết kế được duyệt…
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng quan tâm thực hiện tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2023, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 9,8 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La của 3 xã Hua Trai, Nậm Păm, Ngọc Chiến. Nhờ đó đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của người dân. Cũng từ nguồn tiền dịch vụ này, đã giúp các cộng đồng bản xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa bản, lớp học, làm đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, góp phần phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Bản Ít, xã Ngọc Chiến được giao quản lý hơn 1.100 ha rừng, năm 2023, bản được chi trả 350 triệu đồng. Ông Lường Văn Hặc, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ít, cho biết: Từ số tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm nhận được, cộng đồng bản đã bàn bạc, thống nhất chủ yếu dùng để mua sắm dụng cụ phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, làm đường băng cản lửa, PCCCR, hỗ trợ các thành viên tổ bảo vệ rừng. Riêng năm 2022, bản đã trích hơn 50 triệu đồng để xây kè mương, sửa sân điểm trường mầm non của bản. Nhờ vậy, người dân không xâm hại đến rừng và động vật hoang dã, diện tích rừng được giao cho bản bảo vệ ngày càng phát triển tốt hơn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn, do địa bàn chia cắt mạnh, nhiều núi cao, khe sâu cộng thêm địa bàn rộng. Khu bảo tồn có hơn 40km đường biên giáp ranh một số xã của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, khu vực thường xuất hiện tình trạng người dân vào rừng khai thác mật ong và các loài động vật nhỏ; trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng chưa được đầy đủ, đặc biệt là chưa có ô tô chuyên dụng cho bảo vệ rừng…
Vượt lên mọi khó khăn, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La đã và đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong quản lý, bảo vệ rừng, góp phần đưa diện tích rừng và các hệ sinh thái rừng tự nhiên được bảo vệ và phục hồi, phát triển tốt, hạn chế tối đa các hoạt động tiêu cực tác động trực tiếp, gián tiếp vào khu bảo tồn.
Thủy Ngân