Với phương châm “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, các huyện: Mường La, Bắc Yên, tỉnh Sơn La và Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã thực hiện liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch, gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc; bước đầu hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
“Tự nguyện, tự giác, thiết thực, đồng thuận, hiệu quả”
Các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có vị trí địa lý tiếp giáp với các huyện Mường La và Bắc Yên, tỉnh Sơn La; có nhiều điểm tương đồng về tài nguyên thiên nhiên, đất đai khí hậu, du lịch và văn hóa các dân tộc trong vùng. Trên tinh thần “tự nguyện, tự giác, thiết thực, đồng thuận, hiệu quả”, tháng 11/2022, 5 huyện giáp ranh đã ký kết biên bản ghi nhớ về liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc.
Ông Vũ Đức Thuận, Bí thư huyện ủy Mường La, cho biết: Mục tiêu của việc ký kết biên bản ghi nhớ nhằm nâng cao vai trò chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong vùng; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, nông nghiệp, du lịch, hỗ trợ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong vùng.
Các huyện đã chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức quán triệt, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội về nội dung biên bản ghi nhớ giữa 5 huyện. Quan tâm chỉ đạo nghiên cứu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng hình ảnh con người “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Sau hơn 1 năm thực hiện ký kết liên kết, hợp tác, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Một trong những liên kết quan trọng để thúc đẩy du lịch là sự hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các huyện tập trung ưu tiên đầu tư các công trình viễn thông, hệ thống mạng viễn thông còn thiếu. Đến nay, 100% các cơ sở lưu trú du lịch, các điểm tham quan đều được phủ sóng điện thoại, internet tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu của du khách.
Đồng thời, các huyện tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng các công trình sản phẩm du lịch cộng đồng, huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, nội xã, nội bản và các tuyến giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch… Đến nay, 5 huyện đã triển khai và khởi công xây dựng mới trên 30 công trình giao thông với chiều dài khoảng 452 km, kết nối các huyện, các xã, bản, các khu, điểm du lịch…
Tiêu biểu như huyện Mù Cang Chải khởi công tuyến đường vành đai kết nối tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện với nguồn vốn đầu tư 148 tỷ đồng. Huyện Trạm Tấu triển khai Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu (Yên Bái) – Bắc Yên (Sơn La) với quy mô đường cấp V miền núi, tổng chiều dài tuyến khoảng 16 km với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng. Huyện Mường La triển khai mở đường 8km tuyến đường từ trung tâm xã Ngọc Chiến đi xã Xà Hồ (Trạm Tấu)… Nhờ sự kết nối, quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, việc di chuyển giữa các huyện và nội huyện, liên xã, bản từng bước trở nên thuận tiện, nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch giữa các vùng.
Hiệu quả sản phẩm du lịch liên kết
Trong nội dung hợp tác liên kết phát triển du lịch của 5 huyện, việc hợp tác phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch vùng được quan tâm, chú trọng. Các huyện đã liên kết tổ chức thành công các lễ hội, ngày hội, các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, các sản phẩm OCOP của các huyện đến với nhân dân và du khách.
Nổi bật trong các hoạt động phải kể đến “Ngày hội hoa sơn tra” năm 2023 được tổ chức tại 2 khu vực là huyện Mường La và Mù Cang Chải vào giữa tháng 3, tôn vinh nét đẹp, cảnh sắc hoa sơn tra bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến; quảng bá các điểm du lịch ngắm hoa sơn tra đẹp ở các xã Nậm Khắt, Nậm Có, Lao Chải, La Pán Tẩn của huyện Mù Cang Chải, tạo chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, hình thành các tour du lịch mở trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường La, cho biết: Các hoạt động diễn ra tại Ngày hội hoa sơn tra Mường La cùng với chương trình du lịch tổ chức huyện Mù Cang Chải đã kết nối tạo sản phẩm du lịch mới đặc sắc, từ trải nghiệm bay dù lượn, ngắm Di tích Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đến tắm khoáng nóng Ngọc Chiến – Mường La, trải nghiệm leo núi Tà Chì Nhù – Trạm Tấu… đã thu hút khá lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Cùng với đó, phát triển các dịch vụ du lịch, thương mại gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các huyện đã tiến hành rà soát, tổng hợp cung cấp, chia sẻ thông tin về khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch cộng đồng, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn… các sản phẩm nông nghiệp giữa các huyện. Trên địa bàn 5 huyện hiện nay có 284 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 2 resort cao cấp và 5 HTX, homestay đạt tiêu chuẩn OCOP.
Các huyện đã hỗ trợ truyền thông và thành lập các đoàn công tác tham gia các sự kiện du lịch, lễ hội của các huyện năm 2023, 2024. Phối hợp tổ chức các tour du lịch cho khách trải nghiệm khép kín gắn kết Ngọc Chiến, Mường La, Sa Pa, Lai Châu, Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải; cùng khai thác chung các tài nguyên du lịch nổi bật như: Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, ngắm hoa Sơn tra, tắm khoáng nóng, leo núi Tà Chì Nhù, săn mây Tà Xùa, dù lượn Khau Phạ – Mù Cang Chải…
Với sự kết nối du lịch này đã đưa lượng khách du lịch đến với các huyện năm 2023 đều tăng so với các năm trước đây, kể cả các năm trước đại dịch. Tổng số du khách đến với 5 huyện trong năm 2023 là trên 956 nghìn lượt; doanh thu 447,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, các huyện trong vùng liên kết cũng đã chỉ đạo nhân dân các bản, xã giáp ranh quan tâm chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong đời sống nói chung và trong phát triển nông nghiệp, văn hóa, du lịch nói riêng. Một số xã đã chủ động tổ chức kết nghĩa với xã của huyện bạn; chủ động mời xã lân cận tham gia các hoạt động lễ hội, văn hóa của xã mình. Nhân dân một số xã lân cận trong vùng có quan hệ bạn bè, người thân đã tăng cường kết nối, chia sẻ các dịch vụ, phúc lợi xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ rừng…
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, chia sẻ: Sự liên kết hợp tác đã mang lại nhiều lợi ích cho bà con nhân dân xã Ngọc Chiến; nhân dân một số xã lân cận, giáp danh ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu cũng kết nghĩa với xã Ngọc Chiến, thường xuyên giao lưu văn nghệ, thể thao; cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển du lịch, trong đó khai thác chung đỉnh Tà Chì Nhù, thành lập các HTX du lịch, tổ “xe ôm” phục vụ du khách, tạo thuận lợi cho các du khách đi bộ trong rừng, leo núi và trải nghiệm. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Liên kết để phát triển bền vững
Hiện thực hóa nội dung ký kết triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy 5 huyện trong vùng đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể phối hợp, hợp tác liên kết trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giữa các địa phương.
Trao đổi về giải pháp trong thời gian tới, ông Vũ Đức Thuận, Bí thư huyện ủy Mường La, thông tin: Huyện tập trung phối hợp triển khai hợp tác phát triển du lịch, bảo tồn văn hoá với các địa phương; xây dựng các tour, tuyến du lịch liên vùng, liên huyện độc đáo để thu hút du khách đến với các huyện; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để cùng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, bảo tồn văn hoá phù hợp với bản sắc, đặc trưng của khu vực.
Tháng 4 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường La đã thành lập Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Yên, tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch, thảo luận, trao đổi ý kiến tiếp tục hợp tác chia sẻ thúc đẩy nông nghiệp, du lịch, văn hóa giữa các huyện.
Ông Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, cho biết: Cuộc làm việc lần này, hai huyện đã ký biên bản hợp tác, thống nhất quản lý, khai thác chung đỉnh Tà Chì Nhù gắn với phát triển du lịch. Huyện Trạm Tấu đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường tuần tra rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng gắn với phát triển du lịch từ thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ lên đỉnh Tà Chì Nhù từ nguồn xã hội hóa. Huyện Mường La nâng cấp không gian trải nghiệm thiên nhiên tại đỉnh Tà Chì Nhù từ nguồn xã hội hóa. Qua đó, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.
Bắc Yên là huyện vùng cao với nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Bà Hà Thị Ngọc Yến, Bí thư Huyện ủy Bắc Yên, cho hay: Huyện tiếp tục hợp tác, chia sẻ, tích cực tham gia hội chợ do các huyện tổ chức để xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của hai địa phương. Phối hợp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chuyển tiếp, khởi công mới, nhất là đối với các dự án trọng điểm như: Đường nối quốc lộ 37 (Bắc Yên) với quốc lộ 279D (Mường La)…
“Đi cùng nhau” là một trong những định hướng quan trọng trong liên kết phát triển du lịch 5 huyện giáp ranh của hai tỉnh. Sự liên kết đó đã giúp mở rộng không gian du lịch, phát huy thế mạnh, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi để các địa phương trong vùng thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Thủy Ngân