Đại úy Lò Văn Thoại, sinh năm 1981 tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, là người dân tộc Lào. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, anh đã nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ từ khi còn nhỏ, mơ ước trở thành người cán bộ giỏi để giúp đồng bào vượt qua đói nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp. Với quyết tâm ấy, anh từng bước hiện thực hóa ước mơ.
Đại úy Lò Văn Thoại cần mẫn trong các tiết “bình dân học vụ”. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng 1, Đại úy Thoại được phân công về Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) với nhiệm vụ làm nhân viên vận động quần chúng. Đây cũng là nơi đánh dấu hành trình làm thầy giáo mang quân hàm xanh của anh.
Khởi đầu từ gian khó
Đồn Biên phòng Mường Lạn phụ trách 16 bản và 2 điểm dân cư, đa số là đồng bào dân tộc Mông. Tại đây, tình trạng mù chữ rất phổ biến, các hủ tục lạc hậu còn ăn sâu vào đời sống. Trước thực trạng đó, Đại úy Thoại đề xuất mở lớp học xóa mù chữ để giúp bà con tiếp cận tri thức và pháp luật.
Tuy nhiên, vận động người dân đến lớp học không hề dễ dàng. Nhiều người cho rằng học chữ không có ích, “cuối cùng cũng chỉ đi làm nương”. Không nản lòng, anh kiên trì đến từng nhà, giảng giải lợi ích của việc biết đọc, biết viết. Thấy cách tiếp cận này chưa hiệu quả, Đại úy áp dụng phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, để tạo sự gần gũi. Nhờ sự tận tâm, ông dần thuyết phục được bà con đến lớp.
Dù không được đào tạo bài bản về sư phạm, Đại úy Thoại vẫn chủ động học hỏi từ các giáo viên có kinh nghiệm để biên soạn giáo án phù hợp. Tuy nhiên việc dạy học cũng đầy thách thức vì học viên ở nhiều độ tuổi, nhiều người già không thể cầm bút. Đại úy vẫn kiên nhẫn tập luyện cho từng người, mất cả tháng mới giúp họ viết được những chữ đầu tiên.
“Có người giấu vở khi viết không thành chữ, nhưng khi viết được tên mình, họ hào hứng hơn rất nhiều“, anh kể. Để giữ chân học viên, anh luôn sáng tạo các bài giảng hấp dẫn.
Ban ngày, Đại úy làm nhiệm vụ vận động quần chúng; ban đêm, lớp học của Đại úy Thoại sáng đèn, đón bà con đi làm nương rẫy trở về. Sau vài tháng, những học viên đầu tiên đã biết đọc, biết viết. Từ đó, lớp học ngày càng đông, số người tốt nghiệp đều đặn tăng.
Tiếp nối hành trình tri thức
Đầu năm 2022, Đại úy Thoại nhận công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, phụ trách hai xã Nậm Lạnh và Mường Và. Đây là khu vực còn nhiều khó khăn với tình trạng mù chữ, tái mù chữ, tảo hôn diễn ra phổ biến. Trăn trở trước những hạn chế này, anh lập danh sách các trường hợp cần hỗ trợ học chữ và đề xuất mở lớp xóa mù tại bản Pá Khoang.
Ban đầu, lớp chỉ có vài học viên, nhưng sau nhiều lần vận động, số lượng đã tăng lên 24 người, từ 14 đến 45 tuổi. Học viên không chỉ biết đọc, viết, mà còn học cách lưu tên người thân trên điện thoại. Nhiều người nhận ra việc học giúp họ cải thiện cuộc sống, hiểu sách vở, chăm lo sức khỏe, làm kinh tế, tự tin hơn trong giao tiếp.
Lớp học của Đại úy Lò Văn Thoại có học sinh ở nhiều lứa tuổi. Ảnh: NVCC |
Đại úy Thoại cũng lồng ghép nội dung giảng dạy với việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật, bảo tồn văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục. Anh khuyến khích bà con áp dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập.
Người gieo mầm hy vọng
Những lớp học của Đại úy Thoại không chỉ giúp người dân vùng biên biết chữ, mà còn truyền cảm hứng vươn lên thoát nghèo. Với sự tận tâm, kiên nhẫn và tình yêu thương dành cho đồng bào, anh được gọi với cái tên thân thương “thầy giáo quân hàm xanh”.
“Chỉ mong rằng bà con sau khi học xong sẽ biết áp dụng tri thức để phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp“, anh chia sẻ.
Hành trình của Đại úy Thoại là câu chuyện đẹp về người chiến sĩ biên phòng, không chỉ bảo vệ vùng biên cương, mà còn mở đường cho ánh sáng tri thức, giúp bà con dân tộc thiểu số thay đổi cuộc đời.
Nguồn: https://congthuong.vn/dai-uy-quan-doi-tren-hanh-trinh-gieo-chu-noi-vung-cao-362903.html