Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới, với 12 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 84% dân số. Mặc dù những năm gần đây, kinh tế – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn cao, hết năm 2023 toàn tỉnh còn gần 14,2% số hộ nghèo. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực, trong tâm là hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên.
Là một trong những hộ nghèo nhất bản, gia đình bà Hiếm được Nhà nước hỗ trợ 2 con dê cái sinh sản từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trước khi nhận dê, gia đình bà được hướng dẫn trồng cỏ, chủ động dự trữ nguồn thức ăn vào mùa khô, tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh nên đàn dê của gia đình bà luôn khỏe mạnh.
Bà Lò Thị Hiếm, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: “Được Nhà nước hỗ trợ giống, chúng tôi rất vui. Về thức ăn, chúng tôi cho ăn cỏ khô vì ăn cỏ ướt hay bị đau bụng. Một việc nữa là chúng tôi cũng tiêm phòng theo định kỳ và quan tâm đến phòng chống rét trong mùa đông.”
Nhận thấy gia đình bà Hiếm nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Ngoan đã học hỏi làm theo. Cũng là hộ nghèo, gia đình chị đã được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu cho vay 20 triệu đồng mua dê giống từ gia đình bà Hiếm về nuôi.
Chị Quàng Thị Ngoan, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: “Nhà bà Hiếm cũng truyền lại kinh nghiệm cho gia đình tôi. Chúng tôi cũng mới bắt đầu nuôi, có gì không biết cũng hỏi bà Hiếm. Cũng rất cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình vay vốn.”
Thuận Châu là một trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu phấn đấu thoát nghèo vào năm 2025, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ người dân xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, triển khai kinh tế rừng, trồng cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con ngày càng được nâng lên.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: “Chúng tôi tập trung thực hiện tốt các chế độ, chính sách đầy đủ, kịp thời của Trung ương, của tỉnh, huyện; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao nhận thức của người dân, từ đó phát triển kinh tế thoát nghèo. Thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu; phát triển hạ tầng, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm; thu hút đầu tư, tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân…”
Những năm qua tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình sản xuất, thành lập trên 880 hợp tác xã nông nghiệp để xây dựng 288 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh trồng trọt, tỉnh Sơn La cũng ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ các thủy điện; khai thác văn hóa đặc trưng các dân tộc phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh tiếp tục lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các chương trình dự án giúp người dân thoát nghèo.
Ông Phạm Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh: “Thực hiện các chương trình, dự án như Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cũng như là chương trình nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đều có những dự án để hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất trên địa bàn; triển khai các hoạt động cho vay vốn thông qua ngân hàng chính sách để tạo cho người dân tổ chức sản xuất, tạo việc làm…”
Bằng các chính sách đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Sơn La đã giảm từ 21,6% (năm 2019) xuống còn 11,1% (năm 2024). Hai huyện nghèo là Thuận Châu và Sốp Cộp trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5%/năm./.
Thực hiện: An Hảo
Nguồn: https://sonlatv.vn/da-dang-sinh-ke-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-25067.html