Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi gồm những người có cùng đam mê leo núi khám phá thiên nhiên đã quyết tâm chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù – đỉnh núi đứng thứ bảy trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Tuyến trải nghiệm từ Ngọc Chiến, huyện Mường La qua Nậm Nghẹp leo tới Đỉnh cao nhất là một cung đường hấp dẫn, cuốn hút và khám phá.
Để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, nhiều du khách lựa chọn di chuyển từ trung tâm xã Ngọc Chiến lên bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Ưu điểm của cung đường này là du khách có thể đi và về trong ngày và có những trải nghiệm tuyệt vời từ góc nhìn khác, độc đáo, khác lạ riêng.
Theo lời hẹn với người dẫn đường Lường Văn Xiên, xã Ngọc Chiến, chúng tôi có mặt tại bản Nậm Nghẹp lúc 9 giờ sáng để ghép đoàn trải nghiệm. Đón chúng tôi, anh Xiên nhanh chóng phân công đội ngũ xe ôm chở đồ, chở người lên khu tập kết. Đoạn đường đầu tiên chúng tôi di chuyển bằng xe máy dài khoảng 4 km đường dốc, quanh co, đất bột dày. Sau đó, chúng tôi gặp anh em porter người dân tộc Mông tại điểm tập kết xe. Porter ở Tà Chì Nhù vừa là người dẫn đường, hỗ trợ đoàn, khuân vác đồ ăn, balo, nấu nướng. Trung bình cứ 3 du khách sẽ có 1 porter hỗ trợ. Mỗi đoàn có 1 porter dẫn đầu và 1 porter chốt cuối.
Anh Kháng A Dệnh, bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, là một trong những porter thạo việc, có sức khỏe, chăm chỉ và rất thân thiện. Anh Dệnh tâm sự: Những năm gần đây, đỉnh núi Tà Chì Nhù thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, giúp chúng tôi có thêm thu nhập. Chúng tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ, tập huấn về du lịch, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách chuyên nghiệp, chu đáo hơn.
Cung đường chinh phục Tà Chì Nhù không quá khó. Người leo núi chỉ cần thể lực tốt sẽ dễ dàng chinh phục. Tổng quãng đường cho hành trình hai ngày một đêm ở đây với khoảng 16 km cả đi lẫn về. Địa hình leo núi chủ yếu là đường mòn, không có đường tắt, rậm rạp hay lối rẽ ngang, không có nhiều hẻm vực, vách núi cheo leo, khá an toàn cho mọi người nếu thời tiết khô ráo. Ngày mưa, con đường mòn sẽ khó đi hơn. Do vậy, thời điểm lý tưởng nhất để đi Tà Chì Nhù là từ tháng 11 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau.
Tùy vào nhu cầu và thể trạng của du khách tham gia trải nghiệm mà những người dẫn đường sẽ chia cung đường ra làm ba chặng: Chặng 1 ở độ cao khoảng 1.200m, các đoàn dừng ở đoạn suối trong rừng để ăn trưa, nghỉ ngơi, “checkin”. Chặng 2, bắt đầu từ suối lên đến lán nghỉ đêm cao 2.400m; chặng 3 sáng hôm sau, từ lán lên đến đỉnh.
Những ngày cuối tuần, du khách trekking Tà Chì Nhù khá đông. Cung đường thu hút nhiều lứa tuổi khác nhau, có cả trẻ em cũng tham gia. Cảnh quan Tà Chì Nhù rất đẹp, thay đổi liên tục theo độ cao. Chúng tôi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của cánh rừng già nguyên sinh, với những cây cổ thụ, hốc cây to; cảm giác sảng khoái khi qua suối tận hưởng dòng nước mát lạnh; vẻ đẹp thơ mộng khi “trecking” qua rừng hoa đỗ quyên cổ thụ cao từ 5-10m rêu phong bung sắc hoa đỏ, hồng, tím rực rỡ…
Sau khoảng 3-4 giờ vừa đi vừa nghỉ, chúng tôi cũng đã lên đến điểm trại bằng gỗ, sức chứa khoảng 40 người, có đủ chăn đệm, có nhà bếp nấu nướng, khu vệ sinh. Tại lán trại không có điện lưới; thời tiết ban đêm khá lạnh, chúng tôi đốt lửa, giao lưu văn nghệ rồi hẹn nhau sáng sớm ngày mai cùng chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, ai nấy đều háo hức.
Để lên đỉnh kịp đón bình minh, đoàn chúng tôi xuất phát lúc 4 giờ 30 phút. Mang theo chiếc đèn pin, chúng tôi theo chân nhau ngược núi hoàn thành chặng 3 của cung đường với chiều dài 2,5km. Di chuyển trong rừng khoảng 40 phút, con đường mòn trên những sống lưng “khủng long”, hùng vĩ của khối núi Pú Luông dần hiện ra khiến cho chúng tôi phấn khích, tăng tốc để không bỏ lỡ cảnh đẹp thiên nhiên lúc mặt trời ló rạng. Thật bất ngờ, đỉnh Tà Chì Nhù sở hữu một bãi đất phẳng và rộng, chúng tôi cảm nhận được mùi thơm của cỏ cây trong sương thoang thoảng, tạo cảm giác thật sảng khoái.
Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, anh Trần Hồng Nhị, du khách đến từ Hà Nội, phấn khởi: Đoàn chúng tôi có 8 thành viên, trong đó thành viên nhỏ tuổi nhất mới 7 tuổi. Đây là lần thứ hai tôi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, lần này tôi chọn di chuyển từ bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Cung đường này cảnh đẹp, mát hơn so với cung đường từ Trạm Tấu, huyện Yên Bái. Tham gia trải nghiệm leo núi giúp tôi rèn luyện được tính kiên trì.
Còn chị Laura Slooter, du khách đến từ Hà Lan, chia sẻ: Chặng đường chinh phục tôi cảm thấy khá mệt, nhưng tôi rất tự hào khi mình cùng bạn đã leo lên đến đỉnh núi. Tôi thấy rằng đất nước Việt Nam rất đẹp, tôi muốn đi và khám phá thêm nhiều nơi nữa.
Trao đổi với chúng tôi về liên kết, phát triển tour du lịch Tà Chì Nhù, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Thực hiện liên kết vùng trong phát triển kinh tế, xã hội với các huyện giáp ranh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo phối hợp liên kết với 4 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái và huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Trong đó, tour du lịch trải nghiệm Tà Chì Nhù mới đưa vào khai thác nhưng đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp với huyện Trạm Tấu tạo thuận lợi cho các du khách đi bộ trong rừng, leo núi và trải nghiệm. Đối với xã Ngọc Chiến, thành lập các HTX du lịch, tổ xe ôm, tổ potter phục vụ du khách. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Chinh phục Tà Chì Nhù theo hướng Ngọc Chiến – Nậm Nghẹp du khách được khám phá vẻ đẹp hoang sơ mà lãng mạn của vùng cao Tây Bắc, được trải nghiệm cuộc sống cùng với bà con dân bản. Chúng tôi, những người đã trải nghiệm cung đường này vẫn còn nguyên cảm xúc và tin rằng, những ai đã, đang và sẽ chinh phục Tà Chì Nhù qua cung đường từ bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến cũng sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời.
Thu Thảo