Với phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp, năm 2024, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.700 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký khoảng trên 76.000 tỷ đồng; hằng năm, đóng góp khoảng 55% GRDP và trên 60% tổng số thu ngân sách trên địa bàn. Bà Hà Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo rà soát, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp, hoặc đã hết hiệu lực thi hành trong lĩnh vực phát triển kinh tế tư nhân; loại bỏ những thủ tục hành chính trùng lặp, không cần thiết; rà soát các quy trình xử lý công việc, đảm bảo thông suốt, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tiếp cận nguồn lực và cơ hội; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư dễ tìm kiếm, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đồng thời, công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra; 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định.
Đến nay, 100% số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện đăng ký, kê khai thuế điện tử và trên 95% doanh nghiệp có phát sinh thuế thực hiện nộp thuế theo phương thức điện tử. Ngoài ra, thực hiện công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đảm bảo không trùng lặp về nội dung; công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho tổ chức, cá nhân biết; mỗi doanh nghiệp không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần trong năm, giảm số giờ làm việc của mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra, để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2023 xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố, với 65,59 điểm, tăng 2 bậc và 2,37 điểm so với năm 2020. Trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Sơn La, có 8 chỉ số có điểm số tăng: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Trong năm 2024, tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký 1.737 tỷ đồng; cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư 13 dự án, tổng vốn tăng thêm trên 80 tỷ đồng; cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 3 dự án trong Khu công nghiệp Mai Sơn, tổng vốn đăng ký trên 630 tỷ đồng.
Năm 2024, thành phố Sơn La tiếp tục duy trì nhóm đầu về chỉ số cải cách hành chính và chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, cung cấp 276 thủ tục dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thông tin: Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trước và đúng hẹn đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 94%; tích hợp triển khai thu phí, lệ phí qua dịch vụ công trực tuyến, đạt 99,73%; tỷ lệ thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành hành chính Thành phố đạt 100%, cấp xã đạt 99,59%.
Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các công trình, dự án. Ông Nguyễn Xuân Minh, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp thành phố, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, cho biết: Chi hội Doanh nghiệp thành phố có 87 hội viên. Việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tiềm năng, lợi thế, lĩnh vực thu hút đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ trước thời hạn hợp đồng ký kết với chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Năm 2024, qua theo dõi, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao công tác cải cách thủ tục hành chính của các địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý triển khai các dự án đầu tư, xây dựng lĩnh vực dịch vụ thương mại, du lịch.
Năm 2025, tỉnh Sơn La đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo bước đột phá, môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/tao-moi-truong-thong-thoang-ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-P1QXCTHNg.html