Ông Sồng A Mang (SN 1971) là Người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên. Những việc làm của ông đã góp phần không nhỏ vào hành trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao Bắc Yên.
Được Nhân dân bầu là Người có uy tín từ năm 2015, ông Sồng A Mang, bản Cáo A, xã Làng Chếu, Bắc Yên, coi đó là vinh dự và trách nhiệm to lớn để đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Không chỉ tuyên truyền, vận động Nhân dân trong bản chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông còn tiên phong trong phát triển kinh tế, giúp Nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, để nâng cao hiệu quả công việc, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Sồng A Mang chia sẻ: Để đồng bào tin tưởng, noi theo, mình nói phải đi đôi với làm, phải là người tiên phong thực hiện thì người dân mới thấy và làm theo. Để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và Nhân dân trong bản, tôi đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến rộng 200m2; 2 máy sấy quả sơn tra, hệ thống máy sản xuất tinh bột và miến dong. Hằng năm, tôi còn thu mua khoảng 300 tấn quả sơn tra và trên 1.200 tấn dong riềng của Nhân dân trong xã; thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 9-12 triệu đồng/tháng.
Cách đây 20 năm, để đến được với Làng Chếu phải vượt qua mấy chục km đường rừng. Giao thông đi lại khó khăn khiến cuộc sống của người Mông chỉ giới hạn sau dãy núi Tà Xùa cao chất ngất giữa từng không. Ngày đó, gia đình ông Mang trồng ngô, trồng dong riềng… Mỗi khi mùa thu hoạch đến, người Mông cần mẫn, nhẫn nại gùi từng chuyến lên đường cái để bán sản phẩm nông nghiệp cho tư thương. Lối mòn từ bản và khu sản xuất lên đến đường cái dài 5km. Việc đi lại của người dân chỉ là những đôi chân trần. Nông sản được làm ra chuyển về bản hay chuyển đi bán đều bằng đôi vai của người dân. Ông Mang cũng trải qua những nỗi vất vả cực nhọc đó, nhưng ông lại có suy nghĩ lớn hơn.
Ý tưởng đó đã được ông Mang nung nấu nhiều năm liền. Trong các cuộc họp bản, ông đưa việc làm đường ra bàn với người dân. Khi đó, nhiều người không đồng tình với cách làm của ông Mang. Người dân cho rằng, để mở con đường rộng 4m vắt qua những triền núi sẽ tốn rất nhiều công. Sức người không thể làm nổi. Hơn nữa, khi mở đường rộng sẽ đi qua đất nương của nhiều hộ gia đình. Có những hộ phản đối ra mặt là nhất quyết không chịu hiến đất. Đứng trước một núi khó khăn, ông Mang vẫn cương quyết giữ quyết tâm của mình là làm cho bằng được con đường. Có đường lớn ra khu sản xuất, đời sống của người dân sẽ được nâng lên. Người dân không phải một nắng hai sương mang vác các thứ ngược núi như hiện nay.
Sau nhiều lần tuyên truyền và thuyết phục người dân trong bản, ông Mang cũng dần nhận được sự ủng hộ của người dân. Muốn mở đường lớn không thể dùng sức người được mà phải thuê máy xúc về làm. “Khi đó đời sống của người dân còn nghèo lắm. Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn trăm bề. Giờ mà bảo người dân đóng tiền thuê máy xúc làm đường thì khó như việc vác đá lên trời”, ông Mang nhớ lại. Khi đó cuộc sống của gia đình ông Mang có khá hơn các gia đình khác đôi chút. Ông nuôi được nhiều dê, trâu, bò… và làm được nhiều lương thực. Ông đã xung phong bán nông sản, bán trâu bò để thuê máy xúc mở đường ra khu sản xuất của bản Cáo A.
Việc làm tốt đẹp của ông Mang đã dần thu hút được sự ủng hộ của người dân trong bản. Ông Sồng A Su ở bản cũng mạnh dạn đóng góp 35 triệu đồng cùng ông Mang mở đường. Nhiều hộ dân khác như Sồng A Chư, Sồng A Trống, Sồng A Tếnh đã tình nguyện ra công trường để nấu cơm và phục vụ đội làm đường.
Ngày ông Mang thuê máy xúc mở đường, người dân của bản ai cũng mừng. Sau khi nghe ông tuyên truyền, thuyết phục, họ đã đồng ý hiến đất để làm đường. Ngày ngày ông Mang cùng một số cụ già có uy tín trong bản ở ngoài nương cả tháng trời để đo đạc, phóng tuyến, giám sát và hỗ trợ công việc để làm sao con đường mang lại nhiều lợi ích nhất. Ông Sồng A Tráng, Trưởng bản Cáo A, chia sẻ: “Nhờ thuê máy xúc, nên việc mở đường về bản và ra khu sản xuất đã dễ dàng hơn. Việc làm của ông Mang không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với người dân của bản mà còn góp phần nâng cao đời sống và mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân của bản”.
Song song với việc tuyên truyền, vận động Nhân dân trong bản chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông còn tiên phong trong phát triển kinh tế, giúp Nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất để nâng cao hiệu quả công việc, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Mang cũng là người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất tại bản Cáo A. Ngoài cây ngô, ông còn trồng dong riềng, cây sơn tra… Bên cạnh đó, ông Mang cũng tích cực vận động dân bản làm theo và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, bản Cáo A đã trồng được 75ha lúa ruộng bậc thang, 15ha dong riềng, hơn 30ha cây sơn tra. Ông Mang còn mạnh dạn mở xưởng chế biến bột dong riềng để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Đánh giá về cách làm của ông A Mang, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, cho biết: “Ông Mang là Người uy tín của bản cách đây hơn chục năm. Những việc làm thiết thực của ông đã mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho người dân ở vùng cao của huyện Bắc Yên. Ông Mang không chỉ là một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và đã góp phần thay đổi diện mạo của bản làng trong hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Bằng những đóng góp của mình, ông Mang đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ tỉnh đến huyện đến xã. Năm 2020, ông vinh dự được chọn là Nông dân xuất sắc. Năm 2023, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen: Người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu “đã có thành tích trong công tác dân tộc và thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc”.
Nói về vai trò Người có uy tín trong xã, ông Hạng A Củ, Bí thư Đảng ủy xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, cho biết: Người có uy tín đã giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng, xã hội. Nhờ đó cuộc sống của Nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao, có điều kiện đóng góp công sức và vật chất tham gia xây dựng nông thôn mới; đóng góp rất lớn trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; phối hợp với cấp ủy, chính quyền vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chính sách dân tộc, là những tấm gương sáng trong việc góp sức đẩy mạnh các phong trào thi đua tại cơ sở; góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Còn tại xã Hang Chú (Bắc Yên), Giàng A Chu, ông Mùa A Sênh, Người có uy tín của bản Pa Cư Sáng đã đưa cây thảo quả về trồng dưới tán rừng ở bản và tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân làm theo. Vì vậy, ở những khu vực trồng thảo quả, Nhân dân không những không chặt phá mà còn trồng thêm rừng để tăng độ che phủ, tạo bóng mát cho thảo quả phát triển.
Ông Giàng A Chu, cho biết: Đến nay, người dân trong bản đã trồng gần 200ha cây thảo quả, mang lại thu nhập ổn định. Hầu như hộ nào trong bản cũng trồng thảo quả dưới tán rừng; vì vậy diện tích rừng của bản được người dân tự giác chăm sóc bảo vệ ngày một xanh tốt.
Chị Giàng Thị Nu, bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, chia sẻ: Trước kia gia đình tôi còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi được ông Chu và ông Sênh hướng dẫn trồng cây thảo quả, gia đình tôi đã làm theo. Đến nay, gia đình trồng hơn 2ha cây thảo quả, cho thu 7 tấn quả/năm với giá bán trung bình từ 17-20.000 đồng/kg, giúp gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng, có tiền phục vụ sinh hoạt hằng ngày và lo cho con đi học.
Hiện nay, huyện Bắc Yên có 99 Người có uy tín là cán bộ nghỉ hưu, bí thư chi bộ, người sản xuất giỏi. Những Người có uy tín đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, mặt trận giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chính sách dân tộc. Tích cực vận động Nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước xã, bản, xây dựng bản, tiểu khu, gia đình văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, cho biết: Những Người có uy tín trong đồng bào DTTS chính là đại diện, nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương. Để phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS, hằng năm, huyện Bắc Yên đều tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tình hình kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với Người có uy tín; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Người có uy tín tham gia các hoạt động, phát huy tầm ảnh hưởng tích cực của mình trong cộng đồng.
Với trách nhiệm, vai trò, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện Bắc Yên đang là những tấm gương sáng trong việc góp sức đẩy mạnh các phong trào thi đua tại cơ sở; góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.