Nâng cao giá trị, khẳng định chất lượng hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng các chuỗi cung ứng mới, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong từng khâu, hướng đến mô hình nông nghiệp tăng trưởng xanh.
Năm 2016, Sông Mã là huyện đầu tiên triển khai xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, với 4 chuỗi cây ăn quả; đến nay, đã phát triển lên 47 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, gồm 45 chuỗi cây ăn quả, 1 chuỗi chăn nuôi gà, 1 chuỗi mật ong.
Hiện nay, các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn đã phát huy hiệu quả, không chỉ huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, mà còn hình thành các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhờ đó, người tiêu dùng được tiếp cận nguồn thực phẩm đa dạng, có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, hình thành thói quen sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị bền vững.
Ông Phạm Quang Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Với gần 11.000 ha cây ăn quả, năm 2024, sản lượng hơn 47.580 tấn; trong đó, tiêu thụ trong nước 37.000 tấn, xuất khẩu 680 tấn và chế biến hơn 9.900 tấn; tổng giá trị ước đạt 1.114 tỷ đồng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 981 ha nhãn, sản lượng hơn 14.400 tấn/năm, huyện đã phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất nhãn, hiện nay, có 48 mã số vùng trồng, 50 HTX và 1 công ty sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng 50 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhãn.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã thành lập năm 2022, có 8 thành viên, sản xuất 20 ha nhãn chín sớm và nhãn miền; trong đó, 15 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Năm 2024, HTX là 1 trong 3 chuỗi nông sản an toàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận mới và được huyện hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất VietGAP, bao bì đóng gói. Ông Bùi Sơn Hậu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, chia sẻ: Trong 2 năm (2023 và 2024), sản lượng nhãn quả tươi của HTX đạt hơn 100 tấn, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn thu mua, chế biến 50 tấn long nhãn. Sau khi được cấp chứng nhận vùng sản xuất an toàn, HTX đang phấn đấu xây dựng sản phẩm long nhãn đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Tại huyện Mai Sơn có 11.500 ha cây ăn quả các loại, sản lượng gần 100.000 tấn/năm, huyện đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, với trên 1.140 ha cây ăn quả đã đạt chứng nhận VietGAP, 2.500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ đầu năm đến nay, huyện xây dựng thêm 2 chuỗi mới cung ứng nông sản an toàn, gồm chuỗi quả, chuỗi lợn thương phẩm, nâng tổng số chuỗi nông sản an toàn của huyện lên 51 chuỗi.
Sau gần 10 năm hoạt động, HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà bó, huyện Mai Sơn đã phát triển lên 200 thành viên, liên kết trồng gần 300 ha thanh long, trong đó 70 ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX, thông tin: HTX đã được cấp 2 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu, 5 ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đầu vụ đến nay, HTX xuất khẩu 200 tấn thanh long sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước EU.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 8 doanh nghiệp và HTX được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 288 chuỗi đang hoạt động, tăng 91 chuỗi so với năm 2021. Trong đó, có 39 chuỗi rau an toàn, 78 chuỗi quả an toàn, 5 chuỗi cà phê, 10 chuỗi chè, 5 chuỗi thịt lợn, 3 chuỗi thịt gà, 7 chuỗi mật ong, 21 chuỗi thủy sản, 2 chuỗi thịt hun khói, 13 chuỗi chế biến nông sản, thủy sản an toàn, 2 chuỗi kinh doanh nông sản và 1 chuỗi đông trùng hạ thảo. Đồng thời, toàn tỉnh có 181 mã số vùng trồng cây ăn quả, tổng diện tích 4.740 ha; 101 cơ sở áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP; xây dựng 154 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Việc phát triển các chuỗi liên kết, không chỉ hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng và an toàn, còn giúp nông sản Sơn La vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, toàn tỉnh có 216 mã số vùng trồng; trong đó 205 mã phục vụ xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU… Bên cạnh đó, 29 sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ, gồm bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết Mộc Châu, cà phê Sơn La, xoài tròn Yên Châu… Cùng với việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP và phát triển các sản phẩm OCOP, chuỗi liên kết đã thúc đẩy nông nghiệp Sơn La phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Hiện nay, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng quy trình sản xuất tốt, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tiếp tục đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Năm 2024, toàn tỉnh có thêm 20 chuỗi cung ứng mới, nâng tổng số lên 308 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn.
Phan Trang
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/duy-tri-chuoi-cung-ung-nong-san-thuy-san-an-toan-Fay4RpVNR.html