Cuối năm là dịp cao điểm thi công xây dựng các công trình, dự án. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đang tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án, công trình trọng điểm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 162 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng, trong đó, 53 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 13 mỏ đá làm cát nhân tạo; 53 mỏ cát tự nhiên; 12 mỏ đất sét làm gạch, ngói; 31 mỏ đất san lấp. Các hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản được Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan thực hiện thông qua việc cấp phép và đấu giá quyền khai thác.
Đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng, Sở TN&MT thường xuyên đôn đốc bộ phận chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính phục vụ cấp phép hoạt động khoáng sản đảm bảo đúng trình tự, với 100% hồ sơ hoàn thành trước và đúng hạn thẩm định. Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp tổ chức đấu giá thành công và tham mưu UBND tỉnh ban hành 26 quyết định công nhận 6 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 2 mỏ đá nguyên liệu sản xuất cát; 4 mỏ cát sỏi trên sông; 1 mỏ đất sét làm gạch ngói; 12 mỏ đất san lấp. UBND tỉnh đã cấp 12 giấy phép thăm dò, 4 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, việc quản lý giá vật liệu xây dựng thông thường cũng được các sở, ngành chú trọng. Ông Nguyễn Đức Luyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thông tin: Sở đã công bố thông tin giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh hàng quý trên cổng thông tin của của ngành. Giá vật liệu được xác định trên cơ sở khảo sát trong phạm vi đô thị các huyện, thành phố tại thời điểm thông báo; một số giá vật liệu thông báo theo địa chỉ nơi sản xuất, nhà cung cấp.
Khảo sát tại các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhận thấy thị trường vật liệu xây dựng thông thường bình ổn, không có mặt hàng khan hiếm, đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng. Đơn cử như, cát tự nhiên của Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc tại điểm mỏ các xã Mường Lầm, Chiềng Sơ, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Khương, huyện Sông Mã, có giá 380.000 đồng/m3 đối với cát trát, 400.000 đồng/m3 đối với cát đổ bê tông; tại huyện Mộc Châu, cát trát có giá 460.000 đồng/m3, cát đổ bê tông có giá 480.000 đồng/m3…
Chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ, bà Đàm Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Lan Hoàn Mộc Châu, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Công ty đang bán cát đổ bê tông nhập từ Hòa Bình với giá 600.000 đồng/m³; cát xây từ 350.000 – 400.000 đồng/m³; xi măng Mai Sơn 1.110.000 đồng/tấn; xi măng Bút Sơn 1.350.000 đồng/tấn; gạch đỏ 2 lỗ giao động từ 1.050 đồng – 1.350 đồng/viên; sắt Hòa Phát 15.500 đồng/kg… Mặc dù đang mùa cao điểm xây dựng, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao so với các tháng đầu năm nhưng nguồn cung đảm bảo, không xảy ra tình trạng khan hiếm, giá thành bình ổn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng.
Bảng báo giá của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Hà, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, đối với cát đổ bê tông Sông Mã có giá 380.000 đồng/m³; cát xây trát Tà Hộc, huyện Mai Sơn, có giá 340.000 đồng/m³; xi măng Bút Sơn P40 giá 1.650.000 đồng/tấn; xi măng Mai Sơn P30 có giá 1.200.000 đồng/tấn; xi măng Visai P3 có giá 1.470.000 đồng/tấn; thép cây D20 Hòa Phát có giá 438.600 đồng/cây; thép D6 + D8 Hòa Phát có giá 15.450 đồng/kg…
Ông Nguyễn Đức Luyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thêm: Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn tỉnh, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Dự báo, đến năm 2030, nhu cầu đá xây dựng trên 12 triệu m³, cát xây dựng trên 10,6 triệu m³; đất sét làm gạch ngói trên 4 triệu m³, nhu cầu cát xây dựng lớn hơn so với trữ lượng các điểm mỏ được quy hoạch. Vì vậy, các sở, ngành cần đánh giá, bổ sung mới các điểm mỏ có trữ lượng, chất lượng phù hợp, đáp ứng kịp thời về vật liệu xây dựng, góp phần đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện các dự án, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Minh Thu
Nguồn: https://baosonla.org.vn/kinh-te/dam-bao-nguon-cung-vat-lieu-xay-dung-ANJATF7HR.html