“Thanh niên Sơn La khởi nghiệp từ thế mạnh của địa phương”, là chủ đề Hội nghị đối thoại với thanh niên tỉnh Sơn La năm 2024, do đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì diễn ra ngày 14/11.
Dự hội nghị, có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh tham dự trực tiếp tại điểm cầu chính và 12 điểm cầu trực tuyến trong toàn tỉnh. Dự hội nghị có 430 đoàn viên thanh niên tiêu biểu, đại diện trên 61.000 thanh niên trong tỉnh.
Tại hội nghị, đoàn viên thanh niên đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị, tập trung vào các vấn đề: Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, kinh tế trang trại, HTX nông nghiệp; chính sách và giải pháp kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư với đoàn viên, thanh niên; phương án hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay để khởi nghiệp; định hướng cho thanh niên, xác định mục tiêu khởi nghiệp phù hợp thế mạnh từng địa phương…
Đoàn viên Nguyễn Đỗ Lan Hương, Trường Đại học Tây Bắc đề cập nội dung về vấn đề tư vấn pháp lý trong khởi nghiệp của thanh niên?. Trả lời nội dung này, ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Hiện nay, tỉnh Sơn La có 2 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, gồm: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và Trung tâm thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu thút đầu tư vùng dân tộc thiểu số thuộc Trường Đại học Tây Bắc. ĐVTN có ý tưởng khởi nghiệp, có thể chủ động kết nối với các tổ chức này để được nhận hỗ trợ.
Đoàn viên thanh niên điểm cầu Yên Châu, đặt câu hỏi: Cần làm gì để tạo thêm việc làm cho thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ?
Đồng chí Phạm Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Trên cơ sở phát huy các kết quả đã đạt được, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất, thu hút người lao động vào làm việc.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn. Đăng tải thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, thông tin tìm kiến việc làm của người lao động trên website, fanpage và đăng thông tin trên báo, đài, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN lựa chọn việc làm, chuyển đổi ngành, nghề có thu nhập ổn định, phù hợp. Hàng năm, Sở còn tham mưu cho tỉnh cân đối bổ sung nguồn kinh phí Quỹ giải quyết việc làm cho người lao động; các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay lãi suất ưu đãi, tự tạo việc làm, tăng thu nhập…
Đại diện đoàn viên thanh niên tại điểm cầu huyện Quỳnh Nhai đặt câu hỏi: Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số. Đối với đối tượng thanh niên nông thôn làm kinh tế, đặc biệt là đối với thanh niên nông thôn vùng sâu vùng xa có cơ sở hạ tầng, thông tin, tài chính chưa đảm bảo, rất khó để áp dụng công nghệ mới. Vậy UBND tỉnh có giải pháp gì? để hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh?
Trả lời nội dung này, ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với Tỉnh đoàn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng số và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng, phát triển các nền tảng ứng dụng, sàn thương mại điện tử, website phục vụ nông nghiệp số… Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức khởi nghiệp đưa các chương trình công nghệ về địa phương, hỗ trợ đào tạo chuyển giao công nghệ cho thanh niên nông thôn, hỗ trợ thanh niên nông thôn đưa sản phẩm nông nghiệp đến với thị trường tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin: UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp. Đối với các khoản vay bảo đảm tiền vay bằng tài sản, ngoài sử dụng tài sản của người vay để thế chấp cho khoản vay, khách hàng có thể dùng tài sản của bên thứ 3, tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp tại tổ chức tín dụng. Đối với khoản vay không bảo đảm bằng tài sản, người vay có thể sử dụng phương thức vay thấu chi, thẻ tín dụng; vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định.
Tại hội nghị đối thoại, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời 12 câu hỏi của đoàn viên thanh niên trong tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị của thanh niên cơ bản được lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh giải đáp trực tiếp. Để đảm bảo đầy đủ, chính xác, chặt chẽ nội dung các câu trả lời, Sở Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đăng tải câu hỏi, nội dung trả lời trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh để ĐVTN và người dân theo dõi.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; thủ trưởng các sở, ban, ngành tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với ĐVTN, kịp thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất. Từ đó, có giải pháp cụ thể, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.
Đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh nghiêm túc tiếp thu những vấn đề đã trao đổi, giải đáp tại hội nghị đối thoại, chủ động đề xuất giải quyết kịp thời, hiệu quả những ý kiến, kiến nghị chính đáng của thanh niên. Đồng thời, phối hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức Đoàn thanh niên làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đồng chí đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất 1 lần/năm, qua đó, kịp thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất, đưa ra giải pháp cụ thể, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; công tác quản lý, điều hành của chính quyền; tạo điều kiện cho ĐVTN tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nhóm PV
Nguồn: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/thanh-nien-son-la-khoi-nghiep-tu-the-manh-cua-dia-phuong-gUi5LsGNR.html