Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La đang tích cực tái đàn, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025. Ngành nông nghiệp đã yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương chú trọng phòng chống dịch bệnh, cân đối cung cầu, góp phần ổn định giá cả thị trường.
Cứ vào những tháng cuối năm, gia đình anh Quàng Văn Chiến, bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La lại đầu tư tăng thêm số lượng đàn gà thịt để phục vụ tết. Năm nay từ tháng 9 anh mua thêm 2.000 con gà giống để nuôi lứa mới, nâng tổng số đàn gà lên 8.000 con. Dự kiến, lứa gà này đến trung tuần tháng chạp sẽ xuất bán. Việc vừa tăng đàn, vừa tăng trọng đàn gà, anh Chiến cho gà ăn đủ bữa, đủ thành phần dinh dưỡng và chủ động tiêm phòng bệnh, bổ sung thêm khoáng chất hàng ngày, để đàn vật nuôi phát triển tốt.
Ngoài thịt gà, thịt lợn cũng là thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở chăn nuôi lợn thịt trong tỉnh đang tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho đàn lợn, để kịp xuất bán. Với kinh nghiệm gần 40 năm trong lĩnh vực chăn nuôi, ngay từ giữa năm, Công ty Chăn nuôi Lộc Phát BLLT đã chủ động tái đàn, gối đàn trước Tết tối thiểu 5 tháng, chuẩn bị đủ lượng thức ăn và vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn. Từ nay đến giáp Tết, công ty sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn lợn thịt và 5.000 con lợn giống.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá thịt một số loại gia súc, gia cầm có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây, nhất là giá lợn hơi đang đạt từ 50-60.000 đồng/kg. Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân tăng giá do ảnh hưởng dịch bệnh và thiệt hại của bão lũ, làm sản lượng vật nuôi tại một số tỉnh giảm. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. Với mức giá như hiện nay, theo tính toán, sau 5 tháng nuôi, người chăn nuôi sẽ có lãi từ 2,5-3 triệu đồng/con lợn.
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có trên 1,3 triệu con gia súc, trên 7,7 triệu con gia cầm. So với cùng kỳ năm trước, đàn lợn tăng 1,59%; đàn gà tăng 0,17%; đàn bò tăng 4,09%; đàn dê tăng 4,78%. Nguyên nhân tăng là do người dân chủ động triển khai phòng chống dịch hiệu quả và đàn vật nuôi được khôi phục.
Không chỉ duy trì mức tăng trưởng, các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cũng được mở rộng, giúp người chăn nuôi nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Toàn tỉnh hiện có 5 chuỗi thịt lợn, quy mô 95.000 con, sản lượng 544.350 tấn/năm; 3 chuỗi thịt gà an toàn, quy mô 62.500 con, sản lượng 80 tấn/năm.
Cùng với việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá thị trường, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã có công văn đề nghị các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất chăn nuôi chấp hành tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, thời tiết đang chuyển mùa, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường cập nhật thông tin về tình hình thị trường, chủ động tăng, giảm số lượng, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tích cực theo dõi diễn biến thời tiết, để chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Bài, ảnh: Nguyễn Yến
Nguồn: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/san-sang-nguon-cung-thuc-pham-dip-cuoi-nam-cho1whiHg.html