Bà Lò Thị Yến ở xã Chiềng Sàng huyện Yên Châu bị khuyết tật ở chân từ năm lên 3 tuổi. Việc đi lại của bà gặp nhiều khó khăn. Bà Yến đã được con mình đưa đến nhà văn hóa bản để nghe buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, có chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật do Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức. Qua buổi truyền thông bà đã hiểu về những quyền lợi của người khuyết tật được trợ giúp pháp lý.
Bà Lò Thị Yến – Bản Chiềng Sàng, xã Chiềng Sàng, Yên Châu, Sơn La: Tôi bị khuyết tật từ năm 3 tuổi đến đến nay, hàng tháng được trợ cấp 750.000đ. Hôm nay, tôi đến đây, được nghe cán bộ tuyên truyền, tư vấn về trợ giúp pháp lý cho người dân trong đó có trường hợp những người khuyết tật như tôi. Tôi thấy những chính sách hỗ trợ người khuyết tật của Nhà nước từ trước đến giờ tôi đều được hưởng đầy đủ. Sau này, khi cần trợ giúp pháp lý thì tôi có thể tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh, tôi sẽ được tư vấn, trợ giúp miễn phí.
Do những rào cản khi giao tiếp, khó khăn trong thiết lập các quan hệ xã hội, nhất là khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Vì vậy, pháp luật quy định Người khuyết tật được trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; được phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật thông qua hoạt động TGPL về cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Anh Hoàng Văn Toàn – Bản Chiềng Sàng, xã Chiềng Sàng, Yên Châu, Sơn La: Gia đình tôi có em gái là Hoàng Thị Vân bị khuyết tật từ nhỏ, hôm nay gia đình tôi được cán bộ trợ giúp pháp lý của tỉnh đến trực tiếp gia đình để tuyên truyền phổ biến về Luật trợ giúp pháp lý, các quyền của người khuyết tật được trợ giúp pháp lý và những vấn đề người khuyết tật dễ bị xâm hại để biết cách phòng, tránh… Nên trong thời gian tới, nếu có vấn đề gì cần trợ giúp pháp lý, gia đình tôi sẽ liên hệ với Trung tâm để được tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, ngoài việc trực tiếp tổ chức truyền thông trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý(TGPL) Nhà nước tỉnh đã chú trọng mở rộng mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở. Đặc biệt thông qua các đợt tuyên truyền pháp luật đã góp phần đưa Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng nhân dân, người khuyết tật, giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ông Quàng Văn Trường – Bí thư chi bộ, trưởng bản Khóng, xã Sặp Vạt, Yên Châu, Sơn La: Đối với bản có 2 trường hợp tật bẩm sinh và tai nạn xe máy. Sau khi có ý kiến và vụ việc xảy ra, bản đã làm cầu nối cho các đối tượng, đến các cơ quan chức năng và được trực tiếp cán bộ tư pháp của xã cũng như cán bộ TBXH của xã kết hợp với bản lập hồ sơ để được hưởng chế độ như hiện nay.
Bà Mè Thị Thức – Bản Khóng, xã Sặp Vạt, Yên Châu, Sơn La: Nhờ có sự trợ giúp pháp lý của xã, của huyện, của tỉnh có trợ giúp cho tôi có được trợ cấp những người khuyết tật cho đến ngày hôm nay, giúp giảm bớt khó khăn trong gia đình. Nói chung là về bên bản các khoản phải nộp chi phí bên bản với cả bên xã tôi cũng được hỗ trợ hết, không phải nộp.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm đã trực tiếp tư vấn cho 03 đối tượng là người khuyết tật thuộc diện TGPL; tiếp nhận và cử trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho 03 đối tượng thuộc diện TGPL. Tổ chức 44 Hội nghị truyền thông tại 44 bản đặc biệt khó khăn, tại 12 xã thuộc 6 huyện với 2.420 người tham dự. Tại các Hội nghị đã thực hiện lồng ghép truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý cho người dân, trong đó có người khuyết tật.
Ông Tòng Văn Minh – Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La: Thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, trong đó tập trung thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật cho người khuyết tật. Hiện nay các vấn đề NKT thường yêu cầu TGPL là các nội dung có liên quan đến chế độ chính sách, pháp luật hôn nhân & gia đình và các tranh chấp về đất đai. Qua việc TGPL cho người khuyết tật giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tạo cơ hội thuận lợi cho NKT tiếp cận pháp luật giúp họ nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật đồng thời giúp cho người khuyết tật có thể tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả và vai trò, ý nghĩa của trợ giúp pháp lý dành cho Người khuyết tật, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về Trợ giúp pháp lý. Người khuyết tật khi có vướng mắc pháp luật hoặc có vụ việc cần được trợ giúp pháp lý, đề nghị liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La. Địa chỉ số 04, ngõ 2A, phố Xuân Thủy, tổ 8, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La.
Điện thoại liên hệ: 02123.856.204
Đường dây nóng: 02123.855.959
Thực hiện: Hồng Sâm
Nguồn: https://sonlatv.vn/tang-cuong-tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-khuyet-tat-o-tinh-son-la-23036.html