(Bqp.vn) – Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Bộ Quốc phòng khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng, tháng 4/2021.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Gần đây, ngày 03/4/2024, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch số 1221/KH-BQP, với mục đích đẩy mạnh tái cấu trúc và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính để các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện truy cập khác nhau; tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí phát sinh; nâng cao tỷ lệ cung cấp và sử dụng DVCTT của Bộ Quốc phòng; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao. Đồng thời, kế hoạch này còn khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân, tổ chức sử dụng DVCTT của Bộ Quốc phòng; công khai minh bạch thông tin, nội dung, tiến độ giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị; nâng cao mức độ hài lòng của các cá nhân, tổ chức khi sử dụng DVCTT của Bộ Quốc phòng; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quân sự, quốc phòng và cơ yếu, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng. Trong đó, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đó là phấn đấu nằm trong nhóm Bộ, ngành đứng đầu trên bảng xếp hạng dựa theo Bộ chỉ số về thực hiện thủ tục hành chính, DVCTT theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, Bộ Quốc phòng đạt 70,95 điểm; xếp thứ 2 trên 20 Bộ, ngành (tính đến ngày 28/8/2024). Mới đây, ngày 10/7/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh năm 2024, Bộ Quốc phòng đạt 77,5 điểm, xếp thứ 1/21 bộ, ngành tham gia đánh giá. Đặc biệt, so sánh với kết quả đánh giá năm 2023, Bộ Quốc phòng tiếp tục giữ được vị trí đứng đầu khối Bộ, ngành hai năm liên tiếp.
Quang cảnh Hội nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc với các cơ quan, đơn vị về cung cấp dịch vụ công của Bộ Quốc phòng, tháng 4/2024.
Cùng với những kết quả trên, Bộ Quốc phòng đã triển khai hiệu quả 62/241 thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến. Tính đến ngày 28/8/2024, Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận, xử lý 75.153 hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ giải quyết trước hạn, đúng hạn luôn ở mức cao (khoảng 99%). Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang triển khai mở rộng phạm vi thí điểm cung cấp 07 dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực nghĩa vụ quân sự tại 8 tỉnh, thành (đã hoàn thành thí điểm ở Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hà Tĩnh); thời gian tới sẽ triển khai đối với các tỉnh/thành còn lại).
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), tháng 11/2022.
Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ đồng bộ, khai thác, chia sẻ dữ liệu điện tử; ban hành danh mục dữ liệu mở với 13 danh mục (Quyết định số 4359/QĐ-BQP ngày 12/9/2023) và cung cấp tập trung, thống nhất các dữ liệu mở trên Cổng Dữ liệu Bộ Quốc phòng tại địa chỉ: https://data.mod.gov.vn. Kết nối 02 hệ thống nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, tỉnh (LGSP) và Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hỗ trợ xác thực công dân sử dụng DVCTT. Xây dựng, củng cố các Cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, hỗ trợ kết nối, chia sẻ, làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu về thi hành án dân sự, cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp.
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) kiểm tra dữ liệu người xuất, nhập cảnh qua Cổng Thông tin thủ tục Biên phòng điện tử.
Trong lĩnh vực Biên phòng, Bộ Quốc phòng đã triển khai có hiệu quả Cổng kiểm soát tự động tại 19 trên tổng số 50 cửa khẩu biên giới đất liền tại 9 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh (Lạng Sơn: 4 cửa khẩu; Cao Bằng, Quảng Ninh: mỗi tỉnh 3 cửa khẩu; Hà Giang, Lào Cai, Tây Ninh: mỗi tỉnh 2 cửa khẩu; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum: mỗi tỉnh 1 cửa khẩu), kiểm soát được 02 loại giấy tờ là hộ chiếu và giấy thông hành, có tính năng nhận diện khuôn mặt, vân tay 10 ngón, góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát xuất nhập cảnh từ 45 – 50 giây/lượt xuống còn từ 13 – 15 giây/lượt; ứng dụng công nghệ mã vạch 2D trong đơn giản hóa quy trình kiểm soát các loại giấy phép cho người ra, vào, hoạt động tại 17 trên tổng số 37 cửa khẩu cảng, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Quốc phòng triển khai 12 thủ tục Biên phòng điện tử đối với tàu, thuyền đến, rời cảng, thực hiện 24/7 (kể cả ngày lễ, Tết), giúp người làm thủ tục có thể thực hiện khai báo và nhận kết quả ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào, loại bỏ hoàn toàn hồ sơ giấy; đối với phương tiện chở hàng hóa thì thủ tục được hoàn thành trước khi phương tiện đến, rời cảng; thời gian làm thủ tục cho một chuyến tàu giảm còn 0 giờ. Phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất triển khai mô hình “Cửa khẩu thông minh”. Minh chứng rõ nét cho kết quả này là mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu: Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) – Đen-sa-vẳn (tỉnh Xa-van-na-khẹt, Lào). Thông qua mô hình đã giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh đối với người từ 07 phút xuống còn 02 phút, giảm 50% thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Để đạt được những kết quả trên, Bộ Quốc phòng đã luôn quán triệt, triển khai một cách nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo, chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ giao; phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số từ cấp Bộ đến các cơ quan, đơn vị. Duy trì nghiêm việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, từ đó đề cao trách nhiệm của lãnh đạo đến công vụ của cán bộ, thanh tra giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các cấp; thường xuyên quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Văn phòng Bộ Quốc phòng tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành có sử dụng chữ ký số đối với các cơ quan, đơn vị cấp 2 trong toàn quân.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Bộ Quốc phòng xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ, giữ vững thứ hạng theo đánh giá của các Bộ chỉ số (nằm trong Top đầu của các Bộ, ngành). Trong đó, tiếp tục quán triệt và triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, nhân viên các cấp về cung cấp DVCTT để mọi cán bộ, chiến sĩ thấy được lợi ích, sự thuận tiện và hình thành thói quen thực hiện DVCTT. Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cung cấp DVCTT; tập trung đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử có sử dụng chữ ký số cá nhân.
Giao diện Cổng Dịch vụ công Bộ quốc phòng.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tái cấu trúc, tối ưu hóa các DVCTT, bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; rà soát nâng cấp Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng đáp ứng yêu cầu cung cấp DVCTT; thực hiện nghiêm việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính gắn với nâng cấp Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng, bảo đảm người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm xử lý hồ sơ thủ tục hành chính; đồng thời, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử; nhân rộng các mô hình hay, sáng kiến đổi mới về cải cách thủ tục hành chính.