Sơn La thuộc vùng miền núi Tây Bắc. Lịch sử phát triển địa chất kiến tạo cùng với kết quả tác động của các quá trình ngoại sinh đã tạo nên những đặc điểm riêng của địa hình tỉnh Sơn La. Địa hình mang tính chất đồi núi thấp, độ cao trung bình 600 đến 700m. Các hệ thống núi lớn trong tỉnh đều chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và cùng với dãy núi Hoàng Liên Sơn ở phía bắc kẹp lấy một dải cao nguyên đá vôi ở giữa đã chia lãnh thổ Sơn La thành hai lưu vực sông Đà và sông Mã.
Địa hình Sơn La chiếm trên 85% diện tích là đồi núi. Địa hình thung lũng, các vùng bồn trũng giữa núi chiếm khoảng 15% diện tích. Đồi núi ở Sơn La chủ yếu có độ cao từ 600 đến 700m. Địa hình núi cao trên 2.000m chiếm khoảng 2% diện tích lãnh thổ. Khu vực núi cao tập trung chủ yếu ở khu vực phía đông bắc của tỉnh bao gồm các huyện Mường La, Bắc Yên, Phù Yên.
Sơn La có đến 3/4 diện tích là đồi núi có độ dốc khá cao và bề mặt địa hình bị chia cắt mạnh. Sườn đồi núi, ở phần thấp với các vạt dốc tụ có độ dốc trung bình 8-15°, ở phần cao thường có độ dốc 15-20°. Khu vực các vách núi đá vôi có độ dốc rất cao, thậm chí dốc đứng. Diện tích lãnh thổ có độ dốc nhỏ (<8) chủ yếu thuộc cao nguyên Sơn La và Mộc Châu, ngoài ra còn có một số diện tích hẹp của bãi bồi, bậc thềm, bề mặt tích tụ lũ tích và phần sót bề mặt đỉnh núi.
Cổng TTĐT tỉnh